.

Nới quy định với ô-tô nhập khẩu, rút khoảng cách "phân biệt đối xử"

.

Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gỡ “nút thắt” giấy chứng nhận hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng khi quy định xe được đăng ký lưu hành ở nước ngoài có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam đều có thể nhập xe về đồng thời bổ sung quy định về hậu kiểm.

Doanh nghiệp nhập khẩu xe “dễ thở”

Xe nhập khẩu sẽ được nới bớt giấy tờ kéo gần khoảng cách
Xe nhập khẩu sẽ được nới bớt giấy tờ kéo gần khoảng cách "phân biệt đối xử" giữa doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp trong nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức chiều 12-9, theo đánh giá của đại diện các cơ quan chức năng và phía cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, dự thảo lần này đã khá tiệm cận với yêu cầu thực tế, hài hòa mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa tạo bình đẳng trong kinh doanh măt hàng ô-tô và nhận được sự đồng thuận từ các phía.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Phúc An, đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô-tô vừa và nhỏ, nếu vẫn giữ nguyên nội dung tại dự thảo cũ, các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng sẽ phải “bó tay”, không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, khi ban soạn thảo có sự điều chỉnh, doanh nghiệp đã cảm thấy khá hài lòng bởi vẫn có hướng đi cho mình.

Cụ thể, các nhà sản xuất khi xuất xưởng xe đã kiểm tra kỹ càng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tại nước đó nên xe xuất xưởng đương nhiên đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu. Điều này trước đây không hề có do đây chỉ được coi là "giấy khai sinh" của xe. Ngoài các thông tin về tên, hãng sản xuất... thì không còn bất kỳ thông tin nào khác. Vì thế, "hàng rào kỹ thuật" này sẽ không khác gì các rào cản với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá nội dung dự thảo mới đã có sự tiếp thu đáng kể ý kiến đóng góp, chỉnh sửa khá phù hợp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo trước đây có quy định, trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp phải nộp “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thì tại dự thảo mới nhất, quy định này đã tách ra để một số phương thức kiểm tra, doanh nghiệp không đáp ứng được quy định có thể lựa chọn các giải pháp thay thế.

Cụ thể, xe cơ giới chưa qua sử dụng cùng kiểu loại từng được đăng lý lưu hành tại các nước có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam như khối châu Âu, nhóm các nước phát triển (G7) sẽ không cần phải có bản chính 2 loại giấy nêu trên.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Thông tư mới nhất, ban soạn thảo đã bổ sung quy định về hậu kiểm. Đây là quy định được bổ sung nhằm triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm thì cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện.

Đánh giá về việc bổ sung quy định này, vị đại diện VCCI nhấn mạnh, đây là bước chuyển biến khá rõ nét, cần thiết, thể hiện sự cầu thị cao độ của ban soạn thảo.

​Thu hẹp khoảng cách "phân biệt đối xử"

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, dự thảo Thông tư đưa ra lần này nhằm đáp ứng kỳ vọng đảm bảo giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước được đối xử như nhau trong việc kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, tạo ra hàng rào kỹ thuật đảm bảo an toàn chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Khi Thông tư này có hiệu lực sẽ tác động tới tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu kể cả chính hãng và không chính hãng.

“Các nội dung trong dự thảo chỉ là hàng rào kỹ thuật cần thiết, không hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp. Với ô-tô dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào Việt Nam, mỗi quốc gia đều có quy chuẩn nhất định do Nhà nước ban hành và đòi hỏi phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật mới được tham gia lưu hành và sản xuất,” ông Hình khẳng định.

Nhấn mạnh ngoài Thông tư này, Nhà nước kiểm soát an toàn giao thông, chất lượng bằng nhiều công cụ chứ không chỉ Thông tư, ông Hình thừa nhận, còn nhiều “cửa” kiểm soát tải trọng, các cửa kiểm soát phương tiện khi lưu hành. Chính sách đúng thì không thay đổi, có thể chính sách đúng nhưng trong thừa hành một bộ phận cá nhân trong chuỗi kiểm soát thì xử lý chỗ đó. Phải nhận diện đâu là lỗi do chính sách, đâu là lỗi người thừa hành.

Ngoài ra, dự thảo lần này cũng đưa thêm quy định khi các xe đã được nhập khẩu bị phát hiện có lỗi thì người nhập khẩu có trách nhiệm triệu hồi xe cơ giới nhập khẩu theo công bố của nhà sản xuất hoặc yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Trong trường hợp người nhập khẩu không thực hiện quy định, cơ quan kiểm tra sẽ tạm dừng việc xác nhận vào Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng với nhãn hiệu thuộc diện triệu hồi.

Nhìn nhận việc triệu hồi xe sẽ không làm được nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà sản xuất, ông Đoàn Trần Thái, thành viên Tiểu ban kỹ thuật Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra câu hỏi khi trong Dự thảo Thông tư quy định triệu hồi còn khá sơ sài, chủ yếu kiểm soát tại cảng với các xe chưa thông quan mà không đưa ra quy định nào cụ thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ. Trong khi đó, thị trường hiện nay có hàng nghìn nhà nhập khẩu, không hiểu việc này sẽ được kiểm soát như thế nào?

"Chốt" lại hội thảo, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau Hội thảo này, Cục sẽ một lần nữa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện dự thảo Thông tư để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải nhằm đưa ra quyết định cuối cùng. Dự kiến, dự thảo Thông tư sẽ được hoàn thành, thông qua từ nay tới hết năm để bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2017 bởi càng lâu ban hành Thông tư này thì các doanh nghiệp nhập khẩu xe càng thiệt thòi./.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.