Dự án “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch” đang được triển khai tại Đà Nẵng với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển hỗ trợ của JICA năm 2014, tổng mức tổng đầu tư tương đương 500.000 USD (100% vốn ODA không hoàn lại).
Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng thăm nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Okimachi - tỉnh Fukuoka - Nhật Bản. |
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân trên địa bàn Đà Nẵng bằng việc cung cấp phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp từ nguyên liệu chất thải nhà vệ sinh với giá rẻ, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải từ các kênh dẫn bên dưới những công trình xử lý chất thải nhà vệ sinh gây ra.
Theo chương trình hợp tác với JICA, những đơn vị phối hợp thực hiện chuyển giao công nghệ với Đà Nẵng là thị trấn Chikujo, Đại học Kyushu (thành phố Fukuoka), Đại học Saga (thành phố Saga), Công ty TNHH Giải pháp môi trường (Nhật Bản).
Mô hình dự án đã được triển khai thành công từ năm 1994 với hoạt động hiệu quả của nhà máy tái chế rác thải sinh hoạt thành phân bón dạng lỏng tại thị trấn Chikujo. Sau đó, mô hình xây dựng đã được chuyển giao tại Trung Quốc và mới đây là Đà Nẵng, địa phương duy nhất của Việt Nam được phía đối tác chọn lựa áp dụng.
Theo đó, nội dung chính của dự án có thể hiểu là tất cả nguồn phân bể phốt được thu gom và tập trung về nhà máy xử lý, qua quá trình xử lý yếm khí trong hệ thống bể chứa, cho ra sản phẩm phân bón hóa lỏng.
Đây là loại phân hữu cơ “sạch”, được người nông dân sử dụng chăm bón cây trồng. Tham quan các nhà máy sản xuất phân bón hóa lỏng tại thành phố Chikujo, đoàn đã học hỏi cách ứng dụng và giá trị mang lại; học được tầm quan trọng về sự cân bằng của input (phân hầm cầu) và output (sử dụng sản phẩm), cách chính quyền tiến hành để nâng cao nhận thức của người nông dân, người sử dụng và sự vận hành của hệ thống nông nghiệp liên quan.
Ở thành phố Okimachi (tỉnh Fukuoka) sử dụng phương thức xử lý khác với thành phố Chikuyjo, đó là việc sử dụng nguyên liệu bao gồm phân hầm cầu, rác thải hữu cơ và bùn thải. Output thì ngoài sản phẩm là phân bón hóa lỏng và khí biomass, còn có thể thu thêm năng lượng.
Những nhà máy xử lý như vậy đặt ngay tại trung tâm thành phố tập trung nhiều tòa cao ốc, nhà ga… và biến nó thành một địa điểm tham quan nổi tiếng. Một hình ảnh khá ấn tượng là ngay cạnh nhà máy chế biến phân bón là một nhà hàng rất đông khách với các món ăn làm từ các loại cây trồng được bón bằng chính loại phân bón sản xuất từ nguồn chất thải “bẩn” tại nhà máy và ngay cạnh đó là một khu vui chơi giải trí của thanh-thiếu nhi.
Có thể nói, người Nhật đã biến một nơi tưởng là “bẩn” thành một địa điểm tham quan nổi tiếng. Đây quả là một mô hình thật sự hữu ích nếu có khả năng áp dụng tại các đô thị diện tích vừa phải như thành phố Đà Nẵng. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón lỏng cho thành phố Đà Nẵng phù hợp với chủ trương “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”.
Thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, vì vậy việc triển khai dự án trên sẽ là hướng xử lý về lâu dài của thành phố. Một nhà máy thử nghiệm đã cơ bản được hoàn thành tại khu vực phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (gần bãi rác Khánh Sơn).
Nguyên liệu đầu vào là chất thải bể phốt đang được Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và xử lý. Đã có mẻ phân bón lỏng đầu tiên được xuất xưởng và bón thử nghiệm cho kết quả khả quan trên một số loại cây trồng ở huyện Hòa Vang.
Ngoài ra, phía đối tác còn giúp thành phố đào tạo kỹ thuật cho việc vận hành nhà máy và chuyển giao công nghệ theo đúng mô hình và kinh nghiệm thực tế từ thị trấn Chikujo nhằm phát huy hiệu quả của việc phun phân bón dạng lỏng; đồng thời thông qua dự án, sẽ phối hợp tổ chức các lớp giáo dục môi trường nhằm thúc đẩy nhận thức của người dân liên quan đến dự án.
Hơn thế nữa, JICA đang xúc tiến triển khai giai đoạn 2 của dự án với một bước cao hơn là tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là chất thải hữu cơ được thu gom đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp rất tốn kém về diện tích đất và ảnh hưởng đến môi trường.
Hy vọng, dự án hữu ích này sẽ được thành phố quan tâm đầu tư nhân rộng trong thời gian tới, giúp cải thiện đáng kể vấn đề xử lý ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và chất thải bể phốt, góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng “Đà Nẵng - thành phố môi trường” cũng như Chương trình “Thành phố 4 an”.
Bài và ảnh: Dân Hùng