Kinh tế
Tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp
Cùng với việc ban hành Chương trình “Phát triển khởi nghiệp năm 2016” tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi động tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, chính quyền thành phố đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tối đa với mong muốn thúc đẩy môi trường năng động và sáng tạo cho phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
Các nhóm dự án tham gia triển lãm sản phẩm khởi nghiệp. |
Theo đánh giá của Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng, mặc dù các hoạt động khởi nghiệp, tổ chức khởi nghiệp trên địa bàn chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tạo nên chuyển biến tích cực từ ý thức cộng đồng thanh niên, sinh viên, doanh nhân, người lao động tham gia.
Đà Nẵng đã hình thành các hoạt động ươm tạo như Câu lạc Sáng tạo trẻ, Chương trình 100 hạt giống doanh nhân; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Câu lạc bộ Nhà sáng tạo trẻ, Câu lạc bộ 9StartLab, Quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh; các chương trình đào tạo tinh thần khởi nghiệp của Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Câu lạc bộ My Pro; các dự án hỗ trợ khởi nghiệp như Không gian sáng tạo: Fablab Đà Nẵng, Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng như Câu lạc bộ 9StartLab, Văn hóa khởi nghiệp, Agroup; các dự án xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp...
Định hình hoạt động khởi nghiệp là vấn đề quan trọng đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng. Qua đó, đòi hỏi chính quyền thành phố phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân tâm huyết giàu kiến thức kỹ năng, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm tới.
Đề cập về mục tiêu khởi nghiệp, TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp thành phố cho biết: “Lãnh đạo thành phố đã xác định khởi nghiệp và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp là trụ cột chính để phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong những năm tới. Không có con đường nào khác, chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm sáng tạo về công nghệ để tăng nguồn thu cho ngân sách. Điều quan trọng, Đà Nẵng phải có những chính sách để thu hút khởi nghiệp. Và chính sách đó phải thu hút được những người trẻ, giỏi từ các địa phương khác về Đà Nẵng sinh sống để khởi nghiệp. Khi đã có chính sách tốt thì không chỉ các tỉnh miền Trung mà ở cả thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các nhà khởi nghiệp cũng sẽ tụ về đây”.
Là một doanh nhân khởi nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Hồ Việt Hải rất tâm huyết với dự án đang hỗ trợ cho Vườn ươm Đà Nẵng. Anh bày tỏ quan điểm: Tôi nghĩ một trong những điều khó nhất là tìm được đúng người, đúng nhóm để khởi nghiệp. Ở thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu những kỹ sư mang tầm quốc tế.
Trong khi xu hướng các công ty nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc đến thành phố Hồ Chí Minh ngày một nhiều để tìm những kỹ sư giỏi và trả lương cho họ đến 3.000-4.000 USD/tháng. Nhưng muốn có được những người giỏi từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các công ty còn phải trả chi phí đào tạo cho các trường đại học. Điều đó cho thấy, muốn khởi nghiệp, Đà Nẵng cũng cần tìm kiếm nguồn nhân tài, đủ khả năng để họ cống hiến cho thành phố lâu dài.
Tiến sĩ Harald von Korflesch, người sáng lập tổ chức ZIFEt và Edschool, Đại học Koblenz (Đức) chia sẻ: Đà Nẵng là một trong những môi trường hứa hẹn cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong tương lai. Điều đầu tiên cần thấy là sự quan tâm của trường đại học trong việc hỗ trợ các sinh viên, hỗ trợ tư duy cho họ để trở thành doanh nhân. Trường đại học không chỉ dạy mà còn chuyển giao kiến thức và kỹ năng để họ trở thành doanh nhân. Thứ hai, chúng ta cần phải đầu tư vào các quỹ mạo hiểm các trường đại học. Đà Nẵng đang từng bước hình thành mạng lưới khởi nghiệp, hãy nhìn vào các trường đại học ở trên thế giới. Tuy nhiên, Đà Nẵng không thể sao chép những mô hình của Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào.
Việc xây dựng Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 với định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố khởi nghiệp”, rất cần sự chung tay của các sở, ban, ngành, các viện nghiên cứu, các trường đại học - cao đẳng, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố.
Đứng trước cơ hội và thách thức hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải có lời giải căn cơ cho các bài toán lớn của nền kinh tế hiện nay. Đó là nâng cao năng suất lao động quốc gia, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ và phát triển khoa học và công nghệ tương ứng với yêu cầu hội nhập. Để giải quyết các mục tiêu trên trong điều kiện hiện nay, đất nước ta chỉ có một con đường duy nhất đúng là: Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... TS. Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH