.

Xóa thuyền thúng gắn máy, giảm tàu nhỏ

.

Chủ trương của chính quyền thành phố từ nay đến năm 2020 sẽ xóa hết thuyền thúng gắn máy, giảm tối đa tàu công suất nhỏ dưới 20CV hoạt động ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm môi trường du lịch trên địa bàn thành phố.

Song song với việc xóa thuyền thúng gắn máy, giảm tàu nhỏ, cần phải tạo việc làm ổn định cho ngư dân.
Song song với việc xóa thuyền thúng gắn máy, giảm tàu nhỏ, cần phải tạo việc làm ổn định cho ngư dân.

Chủ trương đúng

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Đà Nẵng, đến giữa năm 2016, thành phố vẫn còn 777 phương tiện, trong đó có 474 thuyền thúng gắn máy và 303 tàu công suất nhỏ dưới 20CV với khoảng 1.200 lao động. Số lượng phương tiện khai thác gần bờ lớn như vậy, thời gian qua đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, gây ô nhiễm biển, đặc biệt hệ sinh thái biển dần bị cạn kiệt. Do vậy, việc xóa hết thuyền thúng gắn máy, giảm tàu công suất nhỏ (dưới 20CV) xuống còn 150 chiếc đến năm 2020 là một chủ trương đúng, cần phải làm ngay để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như quá trình phát triển ngành du lịch biển thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, theo kế hoạch phân kỳ, từ năm 2016 đến năm 2020, thành phố sẽ trích 23,47 tỷ đồng để thu mua các phương tiện cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.200 lao động. Cụ thể, các phương tiện nằm trong diện này sẽ được thu mua lại với mức từ 10 - 30 triệu đồng đối với các phương tiện đã đăng ký và từ 5 - 10 triệu đồng đối với phương tiện chưa đăng ký.

Trong giai đoạn đầu, UBND thành phố quyết định tạm ứng 2,545 tỷ đồng cho các quận chi hỗ trợ các hộ ngư dân thực hiện đề án “Giảm số lượng tàu cá và thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, quận Cẩm Lệ được tạm ứng 200 triệu đồng, quận Hải Châu 320 triệu đồng, quận Liên Chiểu 935 triệu đồng, quận Sơn Trà 660 triệu đồng và quận Thanh Khê 430 triệu đồng.

Tích cực hỗ trợ việc làm cho ngư dân

Để thực hiện được đề án trên, khó khăn cần phải giải quyết chính là việc làm của hơn 1.000 lao động. Bởi nhiều gia đình, cả 3 thế hệ đều gắn bó trên con tàu nhỏ để trang trải cuộc sống, nhiều người lo cho con cái học hành cũng từ những chiếc thuyền thúng. Ông Lê Văn X. (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn chèo ghe đi lặn bắt chíp chíp. Khi nói đến việc sẽ xóa thuyền thúng gắn máy, tàu nhỏ, ông không khỏi lo lắng: “Mặc dù đây là chủ trương của thành phố, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn rất ái ngại sau khi nhận xong tiền hỗ trợ của thành phố thì sẽ làm gì với số tiền đó. Những người già như tôi lên bờ sẽ rất khó khăn”. Ông M.B. (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) mấy chục năm qua đều “sống bám” ven biển cũng cùng nỗi lo: “Lớp trẻ thì có thể xin vào làm công nhân, nhưng những người ngoài 50 tuổi sẽ rất khó khăn khi lên bờ”. Đó là tâm sự của nhiều lão ngư tại các phường Thọ Quang, Mân Thái khi được chúng tôi hỏi đến việc ngành nông nghiệp sẽ xả bản tàu, xóa hết thuyền thúng gắn máy.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngay sau khi đề án được ban hành, quận phổ biến cho các phường, đồng thời lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị những công việc cần thiết cho kế hoạch hỗ trợ xả bản tàu, chuyển đổi nghề cho người dân. Tuy nhiên, phải làm theo lộ trình, không thể đột ngột xóa hết, bởi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.