.
Bất cập quản lý và khai thác hồ Xuân Hòa A

Bài cuối: Trả lại cảnh quan cho hồ điều tiết

.

Qua hợp đồng cho thuê đất ven hồ, mặt nước được UBND quận Thanh Khê và Công ty Viễn Nam ký kết, ban đầu, doanh nghiệp (DN) này thực hiện đúng các nghĩa vụ tài chính. Nhưng vài năm sau, Công ty Viễn Nam chây ỳ và “bỏ của chạy lấy người”, UBND quận Thanh Khê gặp khó khăn trong việc giải quyết hậu quả...

Công trình xây dựng kiên cố trên mặt nước hồ Xuân Hòa A.  Ảnh: Triệu Tùng
Công trình xây dựng kiên cố trên mặt nước hồ Xuân Hòa A. Ảnh: Triệu Tùng

Chủ đầu tư tháo chạy

Ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho rằng, UBND quận thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa quản lý và khai thác hồ trên địa bàn. Đối với hồ điều tiết Xuân Hòa A, ngày 24-6-2005, UBND quận Thanh Khê có Quyết định 644/QĐ-UBND cho phép Công ty Viễn Nam tổ chức quản lý và khai thác với thời hạn 20 năm. Sau đó, UBND quận Thanh Khê cũng ký hai hợp đồng liên liếp cho Công ty Viễn Nam thuê sử dụng mặt đất, mặt nước và giá tiền thuê sử dụng được tính từ đầu tháng 1-2008.

“Thời gian đầu, Công ty Viễn Nam làm ăn rất đàng hoàng, tiến hành nạo vét lòng hồ, cải tạo cảnh quan môi trường; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nên tạo niềm tin đối với UBND quận. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Viễn Nam không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong hơn 6 năm, Công ty Viễn Nam chỉ nộp thuế hơn 600 triệu đồng, còn lại nợ thuế gần 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty Viễn Nam đã bỏ dự án và tháo chạy”, ông Khường cho biết. Chi cục Thuế quận Thanh Khê cho rằng, hiện đủ cơ sở pháp lý để đề nghị xử lý hình sự đối với Công ty Viễn Nam.

Đang giải quyết phần ngọn

Trước những sai phạm của Công ty Viễn Nam, năm 2014, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, đề nghị UBND quận Thanh Khê thu hồi, hủy bỏ các văn bản không đúng thẩm quyền của UBND quận Thanh Khê liên quan đến hợp đồng cho thuê đất, cấp phép xây dựng và các văn bản trái quy định khác. Ngày 30-10-2014, ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, ký Quyết định số 5849 về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định 644/QĐ-UBND ngày 24-6-2005 của UBND quận Thanh Khê có nội dung giao Công ty Viễn Nam tổ chức quản lý và khai thác hồ điều tiết Xuân Hòa A. Đồng thời, Công ty Viễn Nam buộc phải chấm dứt toàn bộ các hoạt động quản lý và khai thác, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Nội dung giải quyết của UBND quận Thanh Khê là vậy, nhưng hiện nay tại khu hồ điều tiết Xuân Hòa A tồn tại nhiều DN do Công ty Viễn Nam chuyển quyền khai thác đầu tư công trình, nhà hàng kiên cố để tổ chức kinh doanh. Văn phòng của Công ty Viễn Nam nằm cạnh hồ điều tiết Xuân Hòa A hiện đóng cửa. Các DN thuê lại quyền khai thác hồ của Công ty Viễn Nam cũng đang lo lắng, bức xúc bởi họ chưa kịp thu hồi vốn, thậm chí như Công ty Đại Huy Hậu chưa kịp xây dựng các công trình còn lại như trong hợp đồng thuê với Công ty Viễn Nam.

Dự án Khu vui chơi giải trí hồ Xuân Hòa A để lại nhiều hệ lụy khi triển khai Quyết định phê duyệt tổng mặt bằng chi tiết tỷ lệ 1/500 hồ điều tiết Khu dân cư Xuân Hòa A ngày 14-9-2016 của UBND thành phố. Theo quy hoạch của UBND thành phố, diện tích đất thương mại, dịch vụ sử dụng hạn chế với 585m2.

Trong buổi công bố quy hoạch hồ điều tiết Xuân Hòa A của UBND thành phố hồi đầu tháng 10 này, nhiều DN đang kinh doanh tại đây kiến nghị về việc đền bù, giải tỏa. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho rằng, để giải quyết vấn đề này, thời gian đến, quận sẽ thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng và đề xuất phương án với thành phố để có sự đền bù, sắp xếp địa điểm kinh doanh khác cho DN. Ông Tĩnh cho rằng, lộ trình thực hiện sẽ qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ nay đến hết năm 2017, sẽ giải phóng mặt bằng ở khu vực sát sân bay, tạo cảnh quan môi trường. Giai đoạn hai từ năm 2018-2019 sẽ tiến hành giải tỏa các nhà hàng.

Vấn đề đặt ra là vì sao phải dùng tiền ngân sách để đền bù cho những sai phạm trong việc quản lý và khai thác hồ, trong khi chủ đầu tư là DN tư nhân tự vi phạm hợp đồng, chuyển nhượng quyền khai thác mặt đất, mặt nước để trục lợi và bỏ trốn? Với hiện trạng cho thuê đất và mặt nước cùng nhiều công trình xây dựng để kinh doanh, phá nát cảnh quan hồ điều tiết Xuân Hòa A thì việc xử lý hậu quả và thực hiện đền bù giải tỏa trở thành vấn đề nghiêm trọng, cần phải bàn tính kỹ.

“Hồ điều tiết Xuân Hòa A hết sức quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nước và tạo cảnh quan đô thị. Khu vui chơi giải trí ven hồ phải là một khu văn hóa xanh - sạch - đẹp. Vì vậy, thực hiện xã hội hóa quản lý và khai thác hồ điều tiết Xuân Hòa A phải làm sao tạo được cảnh quan, ít nhất cho người dân địa phương tiếp cận vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục-thể thao, chứ không như hiện nay trên đất, dưới nước đều là nhà hàng, quán xá... Vì tồn tại những bất cập trong quản lý và khai thác kinh doanh dịch vụ tại đây mà Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải từ chối nhận tiếp quản hồ điều tiết Xuân Hòa A theo đề nghị của UBND quận Thanh Khê”

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải

TRIỆU TÙNG - NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.