Kinh tế
Chủ động hàng thiết yếu mùa mưa bão
Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung thường hứng chịu thiên tai, bão lũ vào mùa mưa nên công tác dự báo tình hình và kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân luôn được chính quyền thành phố quan tâm. Mùa mưa bão năm nay, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng tích cực chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Khi nguồn hàng địa phương thiếu hụt, các siêu thị có thể huy động nguồn cung từ các nơi khác để phục vụ thị trường. |
Theo Sở Công thương, từ rất sớm, Sở đã làm việc với các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, qua đó vận động tham gia dự trữ nguồn hàng phục vụ nhân dân khi thị trường có biến động trong mùa mưa bão. Hiện Đà Nẵng có 70 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối, 7 chợ loại 1, 20 chợ loại 2, 37 chợ loại 3 và các chợ tạm, chợ di động khác..., với tổng số 18.000 hộ kinh doanh. Đây là lực lượng chính có nguồn hàng thiết yếu thường xuyên và dồi dào nhất. Bên cạnh đó, 6 trung tâm thương mại, siêu thị sỉ và lẻ lớn kinh doanh thực phẩm cùng 50 siêu thị mini, chuyên ngành, cửa hàng tự chọn phân bố khắp 7 quận, huyện. Hệ thống thương mại về cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho người dân Đà Nẵng và vùng lân cận.
Bà Nguyễn Thị Thành, tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường nhận định: Với sức mua hiện nay, khả năng đáp ứng của các hộ kinh doanh tại chợ bảo đảm, kể cả trong trường hợp mưa bão thì các xe hàng vẫn về (trừ khi đường sá bị ngập nặng...). Kinh nghiệm của tư thương cho thấy, những năm trước, kể cả khi gặp sự cố giao thông, các phương tiện chuyên chở từ phía nam và phía bắc vẫn có cách khắc phục để bảo đảm hàng hóa thông suốt. Tuy vậy, giá cả ở chợ luôn là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi sự chi phối cung - cầu theo quy luật kinh doanh thường gây ra bất ổn thị trường.
Trong khi đó, hệ thống kinh doanh hiện đại khá ổn định về giá và nguồn cung. Năm nay, Co.opmart Đà Nẵng chủ động nguồn hàng kịp thời cung cấp cho người dân những mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, gạo, dầu, nước mắm, đường... Thời gian dự trữ trong 2 tháng với tổng giá trị hơn 6,5 tỷ đồng. Bà Lê Thị Hiền, Phó giám đốc Co.opmart Đà Nẵng chia sẻ, siêu thị luôn chú trọng chính sách bình ổn thị trường trong mùa mưa bão. Cụ thể, thông qua việc trao đổi từ trước, nhà cung cấp cam kết bảo đảm nguồn hàng với giá cả ổn định khi thị trường có sự tăng giá đột biến. Đối với các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị áp dụng mức giá giảm từ 5-10% nhằm giảm áp lực khó khăn cho người dân trong mùa mưa bão.
Trong khi đó, BigC Đà Nẵng cũng dự trữ phong phú các loại hàng với hơn 40.000 mặt hàng và số lượng dự trữ lớn. Đến nay, hơn 10 đơn vị đã đăng ký với tổng giá trị hàng hóa trên 850 tỷ đồng. Việc cân đối, chủ động tìm và dự trữ nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tại chỗ được các doanh nghiệp duy trì thường xuyên, bảo đảm không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu mua sắm của người dân. Riêng một số đơn vị như Co.opmart, Metro, Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng tham gia kế hoạch cung cấp hàng với tổng giá trị trên 23 tỷ đồng gồm: 1.000 thùng lương khô, 170 tấn gạo, nếp các loại, 1.200 thùng nước đóng chai, 55 tấn hàng lương thực, thực phẩm khác... UBND thành phố cũng giao Cục Dự trữ Nhà nước tại Đà Nẵng dự trữ 1.000 tấn gạo với trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Các mặt hàng khác như xăng, dầu, vật liệu xây dựng cũng được các đơn vị đầu mối lên kế hoạch cụ thể với 7 triệu lít xăng, 45 triệu lít dầu diesel, 12.500 tấn tôn lợp và 2 tấn đinh vít. Thời gian dự trữ từ tháng 8 đến tháng 11. Bên cạnh đó, Sở Công thương tham mưu UBND thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp kinh phí vận chuyển hàng hóa về các xã miền núi của Đà Nẵng như Hòa Phú, Hòa Bắc khi thiên tai xảy ra.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, đây là nhiệm vụ thường niên trọng tâm của Quản lý thị trường thành phố. Theo đó, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, có dự báo chính xác, kịp thời về tình hình cung - cầu thị trường, diễn biến giá cả; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh không được đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt. Trường hợp vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Nhìn chung, để phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra do thiên tai, việc chủ động nguồn hàng mùa mưa bão hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, công tác dự trữ gặp không ít trở ngại do kinh phí hạn chế, nếu lượng hàng không tiêu thụ được sẽ mất vốn. Do đó, Nhà nước cần có sự chỉ đạo linh hoạt, xử lý kịp thời những vướng mắc liên quan nhằm phát huy hiệu quả đối với hoạt động này.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH