Kinh tế

"Đại sứ" của các khu, điểm du lịch

08:12, 31/10/2016 (GMT+7)

Nếu hướng dẫn viên được coi là linh hồn của các chuyến đi, kết nối du khách với điểm đến thì các thuyết minh viên (TMV) là đại sứ của các khu, điểm. Họ là người kết nối những giá trị văn hóa-lịch sử của điểm đến, đưa điểm đến trở thành nét đặc trưng có sức thu hút và hấp dẫn du khách.

Các thuyết minh viên tại khu, điểm thường lặp đi lặp lại bài nói của mình nên dễ bị nhàm chán nếu không thực sự say mê và yêu nghề. Trong ảnh: anh Lương Thanh Rân (bìa phải) đang giới thiệu danh thắng Ngũ Hành Sơn với đoàn khách đến từ Quảng Trị.
Các thuyết minh viên tại khu, điểm thường lặp đi lặp lại bài nói của mình nên dễ bị nhàm chán nếu không thực sự say mê và yêu nghề. Trong ảnh: anh Lương Thanh Rân (bìa phải) đang giới thiệu danh thắng Ngũ Hành Sơn với đoàn khách đến từ Quảng Trị.

Nếu không yêu nghề, dễ bị nhàm chán

Tại các khu điểm du lịch, TMV không chỉ là người giới thiệu với du khách về lịch sử, văn hóa của khu, điểm, di tích mà còn thổi hồn vào di tích, giúp du khách hiểu hơn về những nét văn hóa, truyền thống của điểm đến, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến trong lòng du khách gần xa.

Vừa hoàn thành tour leo núi thuyết minh cho một đoàn khách đến từ Quảng Trị, những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, anh Lương Thanh Rân, Tổ trưởng Tổ thuyết minh viên Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn chia sẻ, điểm đến dù hấp dẫn mấy mà không có người thuyết minh thì khó có thể quảng bá rộng rãi.

Do đó, ngay từ những ngày đầu tiên đi vào khai thác, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã xây dựng đội ngũ TMV và đến nay có 9 người thay nhau hướng dẫn. Mỗi ngày, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 500 lượt khách trong nước và quốc tế; có những ngày cao điểm, một TMV có 3 lượt lên xuống với hơn 1.000 bậc thang để thuyết minh, phục vụ du khách. “Làm TMV tại điểm Ngũ Hành Sơn, ngoài chuyên môn vững vàng, còn phải có sức khỏe tốt. Vừa leo núi, vừa thuyết minh, vừa kể chuyện vui để khích lệ, pha trò xua tan sự mệt mỏi cho du khách khi phải leo hàng trăm bậc thang. Bên cạnh đó, khi làm TMV tại các khu điểm, bài thuyết minh thường bị lặp đi lặp lại nên nếu không yêu nghề, các TMV rất dễ cảm thấy nhàm chán”, anh Rân tâm sự.

Ngoài Ngũ Hành Sơn, tại một số khu, điểm như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, khu du lịch Bà Nà Hills, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng… đều có đội ngũ TMV phục vụ các đoàn khách khi có nhu cầu.

Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, rất khó có được một TMV giỏi, bởi bên cạnh kiến thức chung, hiểu biết chuyên môn sâu, ngoại ngữ tốt, kinh nghiệm, người TMV phải thực sự có niềm đam mê thì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Nâng cao chất lượng đội ngũ TMV    

Theo đánh giá của ông Võ Văn Thắng, để thu hút khách và mang tính giáo dục cộng đồng cao, TMV tại các điểm du lịch hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tại các khu, điểm ở Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 50% nhu cầu thực tế. Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, quy định một đoàn từ 5 khách trở lên đến tham quan bảo tàng nếu có yêu cầu thì sẽ có các TMV phục vụ. Tuy nhiên, với hàng trăm lượt khách mỗi ngày thì 8 cán bộ làm công tác thuyết minh của bảo tàng khó đáp ứng yêu cầu.

Do đó, bên cạnh đội ngũ TMV, ông Võ Văn Thắng cho biết, 2 năm nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm dùng thử nghiệm phương pháp thuyết minh bằng tai nghe (audio guide) cho du khách. Cách làm này giúp khắc phục được việc thiếu TMV và phục vụ những khách lẻ muốn tìm hiểu kỹ về các hiện vật được trưng bày. Tất nhiên, muốn đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các bảo tàng cũng như các khu, điểm, cần phải đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng TMV, như thường xuyên hỗ trợ đào tạo, bổ sung, tập huấn… cho đội ngũ này.

Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cũng bày tỏ, các TMV tại khu danh thắng chủ yếu thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trước lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng tăng cao, đầu tháng 9-2016, Sở Du lịch phân bổ cho danh thắng Ngũ Hành Sơn 2 sinh viên thông thạo tiếng Trung Quốc và 4 sinh viên thông thạo tiếng Hàn Quốc. Khi khách có nhu cầu sử dụng TMV, các em chính là những người hướng dẫn. Theo đánh giá của ông Tươi, các em đã đáp ứng phần nào yêu cầu công việc.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, tại một số khu, điểm du lịch, yêu cầu của khách ngày một tăng cao, Sở đã và đang triển khai các giải pháp đào tạo bổ sung hướng dẫn viên, TMV. Cụ thể, đã đào tạo được 15 TMV (5 người tiếng Hàn Quốc và 10 người tiếng Trung Quốc) cung cấp cho các khu, điểm du lịch. Sở cũng đã tổ chức đào tạo 24 người Việt Nam thông thạo tiếng Hàn Quốc để tham gia hướng dẫn tạm thời, mở khóa đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên tiếng Trung và tiếng Hàn cho 49 sinh viên năm 3, 4 Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng (33 tiếng Hàn và 16 tiếng Trung)…

Bài và ảnh: THU HÀ

.