Cách đây gần một năm, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định số 8488/QĐUBNDTP phê duyệt đề án Xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng, được lấy tên giao dịch là Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là DNES). Theo đó DNES có các chức năng: (i) Ươm tạo các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố; (ii) Hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh; (iii) Đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đi vào hoạt động; (iiii) Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng SVHS…
Hoạt động khởi nghiệp ở Đà Nẵng có những bước khởi đầu ấn tượng. Trong ảnh: Hoạt động trong khuôn khổ hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016. Ảnh: KHANG NINH |
Chỉ sau một tháng ban hành quyết định, DNES đã được thành lập sau khi kêu gọi vốn thành công (hơn 30 tỷ đồng) từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố và 12 nhà đầu tư là các doanh nghiệp thành công và các nhà đầu tư cá nhân tâm huyết với khởi nghiệp Đà Nẵng. Ngày 15-1-2016, DNES chính thức ra mắt cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. Trong 9 tháng hoạt động vừa qua, với tư cách là một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chuyên nghiệp đầu tiên của thành phố và là một mô hình Vườn ươm hợp tác công tư duy nhất của cả nước, DNES đã phát huy vai trò là cánh tay đắc lực của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố trong xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ của Đà Nẵng.
1. Thực hiện chức năng ươm tạo, DNES đã tuyển chọn, ươm tạo và tổ chức tốt nghiệp cho 8 dự án khóa đầu tiên. Một nửa trong số đó đã đăng ký thành lập doanh nghiệp đi vào hoạt động (Nước rửa chén Minh Hồng, Tara, Đặc sản Việt...); 2 dự án thay đổi sản phẩm, chiến lược phát triển là InDanang thành InVietnam, Tara mở rộng số lượng sản phẩm sạch trang điểm của phụ nữ; 3 dự án tiếp tục hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm là Nôi Tob Đa năng, Zody và Vút bay.
Hiện nay, DNES hoàn thành việc tuyển chọn 9 dự án ươm tạo khoá thứ hai với nhiều ngành nghề đa dạng hơn (ứng dụng công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch...) và hôm nay cũng được chọn là ngày khai giảng chính thức của khóa này.
Đồng thời DNES đã ký hợp tác với Microsoft để hỗ trợ chương trình tăng tốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực miền Trung, hợp tác với Quỹ Lotus Impact để tổ chức chương trình ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lãnh đạo nữ. Hai chương trình này đang ráo riết chuẩn bị để khai giảng trong thời gian đến. Hiện nay, DNES cũng đang phối hợp tuyển chọn và ươm tạo tăng tốc 10 dự án khởi nghiệp cho chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp iAngel” xây dựng bởi Mạng lưới Nhà đầu tư thiên thần Việt Nam.
Đi đôi với công việc ươm tạo, DNES đã trực tiếp tổ chức mạng lưới các nhà tư vấn (mentors) là các doanh nhân trong và ngoài thành phố để phục vụ cho ươm tạo khởi nghiệp. DNES đã phối hợp tổ chức các hoạt động ra đời và hội thảo, chọn lựa các dự án để đầu tư của Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần quốc tế MAIN.
2. Thực hiện chức năng hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, trong chưa đầy một năm qua, DNES đã mở rộng quan hệ hợp tác với hàng chục tổ chức khởi nghiệp quốc tế như Chương trình sáng kiến Mekong MBI của Ngân hàng Châu Á ADB, Chương trình Đổi mới và Sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP), tổ chức SECO-EP Thụy Sĩ, Đại sứ quán Israel, Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự Úc... các trường đại học, trung tâm ươm tạo, vườn ươm, quỹ đầu tư của nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Singapore, Nhật, Hàn Quốc... cùng với nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, DNES phối hợp với Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố tổ chức thành công Hội thảo triển lãm khởi nghiệp (Startup Fair 2016) lần đầu tiên tại Đà Nẵng, được cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến dự Startup Fair 2016 đã chia sẻ “Chúng tôi bất ngờ về khả năng tổ chức hội thảo-triển lãm quy mô lớn có tính chất quốc tế của DNES, mà lâu nay chúng tôi nghĩ rằng ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì chưa nơi nào ở Việt Nam làm được”.
Bà Lee, Phó Đại sứ Isarel tại Việt Nam trong hội nghị nâng cao năng lực các vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Đà Nẵng vào tháng 8 vừa qua đã phát biểu: “Tôi đánh giá cao tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp của lãnh đạo thành phố, Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, đặc biệt là sự tâm huyết và tinh thần cầu thị ham học hỏi của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của DNES. Chắc chắn sự nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng sẽ thành công”.
Với sự giúp đỡ của Chương trình MBI (Sáng kiến Mekong) thuộc Ngân hàng Châu Á (ADB) trong những tháng qua, DNES đã cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố tiến hành khảo sát các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời dưới 5 năm. Kết quả khảo sát đang được xử lý để viết dự thảo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 tầm nhìn 2030”, sẽ tổ chức hội thảo trong tháng 10 này để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học và cộng đồng khởi nghiệp, nhằm hoàn thiện đề án trình cho UBND thành phố vào giữa tháng 11-2016. Đề án được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp những năm tiếp theo. Đây là điều kiện đủ để cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng vươn lên ngang tầm với các thành phố lớn trong nước và các thành phố khác trong khu vực ASEAN, tiến đến thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố khởi nghiệp vào năm 2020.
Được sự giúp đỡ của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ SECO-EP, DNES đã từng bước xây dựng mạng lưới các nhà tư vấn (mentors) cho cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. Đây là một công việc rất khó và mới. Các doanh nhân thành công đã có nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của họ, họ có thể đã từng xây dựng những doanh nghiệp nhỏ thành những doanh nghiệp lớn, xây dựng những tập đoàn, công ty mẹ - công ty con.
Tuy nhiên, khi mời họ làm nhà tư vấn (mentor) cho các startups thì đa phần đều lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu. Các doanh nhân đã tâm sự với tôi: “Chúng tôi biết nghĩa vụ xã hội của mình là phải giúp đào tạo lại thế hệ doanh nhân trẻ trưởng thành, tiếp tục sự nghiệp của thế hệ mình, nhưng khi ngồi lại với nhau chúng tôi vẫn còn lúng túng, chưa hiểu nhau, chưa đồng nhịp. Đôi khi chúng tôi lại thấy kiến thức trên một số lĩnh vực công nghệ của mình lạc hậu hơn các em nên cũng ngại tham gia mạng lưới”.
Đến nay sau một số workshop huấn luyện kiến thức và kinh nghiệm, mạng lưới các nhà tư vấn đã tăng dần từ vài người ở khóa ươm tạo đầu tiên đến gần 20 doanh nhân đăng ký tư vấn cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng thời, DNES đang trong quá trình vận động để thành lập mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần của thành phố. Đây lại là công việc vô cùng khó khăn và cần có nhiều thời gian. Hiện nay các doanh nhân đã thành danh, có đủ điều kiện về vốn liếng, đã tham gia thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng… nhưng hầu hết họ chưa có nhiều hiểu biết, kỹ năng đầu tư vào startups (đầu tư thiên thần). Việc đầu tiên là cần có một vài nhà đầu tư thiên thần tiên phong tham gia đầu tư vào vài dự án khởi nghiệp được ươm tạo tại DNES để làm hạt nhân.
Việc tiếp theo là thông qua các nhà đầu tư tiên phong để tiếp cận, mời gọi các nhà đầu tư khác tham gia vào mạng lưới. Ở đây sẽ có hàng loạt vấn đề đặt ra là: Cách thức đầu tư startups thế nào? Thời gian và cách thức thoái vốn đầu tư vào các startups sao cho thuận lợi?… Những câu hỏi này cần được giải quyết tại các hội thảo, workshop sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
3. Về chức năng đầu tư, do còn thiếu kinh nghiệm và khung pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp chưa có, nên đến nay DNES chưa thực hiện được thương vụ đầu tư nào trên thực tế vào các công ty khởi nghiệp trong và ngoài DNES. Chi phí ươm tạo cho các dự án, công ty khởi nghiệp đã và đang được đào tạo tại DNES chủ yếu là hỗ trợ. Mặc dù chủ đầu tư lớn của DNES là Quỹ đầu tư phát triển thành phố, do ràng buộc của pháp luật tài chính đã yêu cầu DNES phải đảm bảo việc bảo toàn vốn, không để mất vốn đầu tư của Nhà nước muốn vậy phải cân đối thu chi, nhưng trong thời gian qua DNES chưa có nguồn thu.
Để tính chiến lược phát triển lâu dài của DNES, trong khi chờ hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ ban hành, vừa qua, Hội đồng thành viên DNES đã có nghị quyết về hoạt động đầu tư táo bạo trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo DNES. Khi trụ sở của DNES còn ở 12 Trần Phú - một trong số ít căn nhà theo kiến trúc của Pháp còn lại, nên thành phố chỉ cho sửa chữa nhỏ để công ty làm việc và tổ chức ươm tạo các dự án khóa I. Mới hoạt động được 3 tháng thì Thành ủy và UBND thành phố có quyết định thu hồi bố trí cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm trụ sở và yêu cầu DNES chuyển về 31 Trần Phú trong một thời gian khá gấp rút.
Tuy vô cùng căng thẳng, nhưng chúng tôi cũng thấy đây là cơ hội hiếm có, đã khẩn trương thảo luận phương án “biến nguy thành an”, tổ chức đoàn ra Hà Nội mời gọi, thảo luận và thống nhất hợp tác với một đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp để họ hợp tác đầu tư vốn cải tạo khu nhà 31 Trần Phú thành một không gian làm việc chung cho khởi nghiệp (co-working space) và hai bên cùng khai thác trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, do sự thiếu chân thành và trì hoãn từ phía đối tác cộng với áp lực lớn từ Thành ủy phải sớm bàn giao nhà 12 Trần Phú, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ.
Trong tình thế không có đường lui, Hội đồng thành viên DNES đã thảo luận và ra nghị quyết sử dụng một phần vốn góp của các thành viên để trực tiếp đầu tư cải tạo khu nhà 31 Trần Phú thành co-working space (gọi tắt là DNC) thay cho phương án kêu gọi hợp tác đầu tư. Với quyết định sáng suốt này, cùng với nguồn vốn ngân sách được thành phố hỗ trợ, DNES đã tập trung huy động lực lượng vừa khảo sát thiết kế, vừa thi công cải tạo đã hoàn thành công trình DNC trong khoảng 3 tháng.
4. Vì sao cần ra đời Co-working space?
Lâu nay, chúng ta quen gọi cụm từ khá mới “hệ sinh thái khởi nghiệp” để chỉ về một “cộng đồng khởi nghiệp” của một thành phố, một khu vực thuộc quốc gia nào đó. Hệ sinh thái khởi nghiệp hay Cộng đồng khởi nghiệp là tập hợp các thành viên khởi nghiệp bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (vườn ươm, trung tâm dịch vụ...), các nhà tư vấn (mentors), các nhà đầu tư...
Trong đó không gian làm việc chung - Co-working space là một tổ chức dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp có vai trò quan trọng như chất kết dính các thành tố chủ yếu của một cộng đồng khởi nghiệp. Co-working space giúp sớm hình thành, bổ sung và phát triển ngày càng đầy đủ hơn các thành viên của cộng đồng khởi nghiệp. Co-working space sẽ là nơi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp học tập lẫn nhau nhằm phát triển dự án của mình (một dự án nông nghiệp có thể kết hợp được với một dự án công nghệ thông tin); là nơi mà các doanh nghiệp gặp được các nhà tư vấn phù hợp, cũng như các nhà đầu tư thiên thần sẽ dễ dàng tìm kiếm được các startup thích hợp cho mục tiêu đầu tư của mình.
Với vai trò giúp liên kết các thành tố của hệ sinh thái như vậy, người ta thường ví Co-working space như trái tim của cả cộng đồng khởi nghiệp. Chính vậy, sự ra đời của nó là bước phát triển quan trọng của một cộng đồng, một hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoạt động khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua chưa phát triển mạnh mẽ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, nguyên nhân chính là do chưa có các Co-working space này. Đây cũng chính là lý do vì sao các startups Đà Nẵng lâu nay đã phải di chuyển đến các thành phố khác trong nước, thậm chí là ở nước ngoài để khởi nghiệp.
Đà Nẵng Co-working space (được viết tắt là DNC) sẽ đáp ứng được yêu cầu gì của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng?
DNC cung cấp dịch vụ không gian làm việc, văn phòng cho thuê, dịch vụ tổ chức sự kiện cho cộng đồng. Chỗ ngồi làm việc đáp ứng từ 1 người đến một nhóm 10 người hoặc hơn.
Tại đây, DNES sẽ cung cấp các chương trình ươm tạo khởi nghiệp, các khóa huấn luyện, các workshop, hội thảo, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cộng đồng.
Là nơi giao lưu, kết nối với các chuyên gia, nhà tư vấn, nhà đầu tư, các đối tác, các nhóm khởi nghiệp khác nhau trong và ngoài nước. Được tham gia các sự kiện được tổ chức hằng tuần, hằng tháng.
Các dịch vụ trên đây được cân nhắc thu một khoản phí vừa đủ để trang trải khoản kinh phí đã đầu tư cải tạo và chi phí vận hành duy trì không gian làm việc chung. Như vậy khi các startups, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (có tính chất kinh doanh thích hợp tại DNC) đến làm việc tại DNC sẽ hưởng các khoản phí ưu đãi. Đây là ưu điểm quan trọng bên cạnh ưu điểm được làm việc trong một cộng đồng khởi nghiệp với đủ mặt các anh tài của Đà Nẵng và của cả nước.
Hợp tác với Toong để vận hành Co-working space.
Vai trò lớn và trọng tâm như vậy, nên để đảm bảo Co-working space hoạt động trơn tru, hiệu quả, đáp ứng tất cả các mong đợi của cộng đồng khởi nghiệp, thì công tác vận hành là cực kỳ quan trọng và phải được đầu tư nghiêm túc. Nhận thấy kinh nghiệm còn thiếu, DNES với một tinh thần cầu thị, học hỏi đã chủ động hợp tác với Toong - một đơn vị đã thành danh và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai và vận hành các không gian làm việc chung của mình trong khắp cả nước. Toong sẽ là nhà tư vấn, huấn luyện độc quyền của DNES để xây dựng đội ngũ và hoàn thiện các quy trình vận hành, quảng bá, kinh doanh của DNC với một mục tiêu duy nhất là mang lại nhiều thuận tiện và lợi ích nhất cho tất cả các thành viên cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng khi đến với DNC.
Như vậy, với sự ra đời của DNC, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã tiếp tục góp phần phát triển một khâu quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng. Chắc chắn khởi nghiệp Đà Nẵng sẽ có những bước tiến bộ nhanh, cộng đồng khởi nghiệp sẽ phát triển đa dạng, phong phú. Và tôi tin rằng trong tương lai gần, khởi nghiệp Đà Nẵng sẽ phải phát triển thêm vài cơ sở mới của DNC để đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng của các startup của thành phố, cũng như các startup từ các thành phố khác trong cả nước di chuyển về khởi nghiệp tại thành phố của chúng ta.
VÕ DUY KHƯƠNG
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)