Mặc dù từ giữa tháng 9, cả ngành đường sắt lẫn hàng không khởi động mùa bán vé Tết Đinh Dậu 2017, với nhiều hình thức bán và thanh toán đa dạng hơn. Thế nhưng, trên thực tế, để mua được vé tàu lửa hoặc máy bay trong dịp này là điều không đơn giản.
Để có được vé đúng giá đi lại trong dịp Tết là không đơn giản. |
Khó mua vé máy bay đúng giá
Như thường lệ, Vietnam Ailines tiếp tục tung ra lượng vé phục vụ Tết nhiều nhất với tổng cộng 1,5 triệu vé chỉ dành riêng cho các chuyến bay nội địa. Đây được xem là con số cao nhất từ trước đến nay chỉ dành cho đợt cao điểm phục vụ Tết từ ngày 12-1-2017 đến này 12-2-2017, tính ra trung bình mỗi ngày Vietnam Airlines phục vụ 50.000 lượt hành khách. Trong khi đó, Vietjet Air cũng đưa ra 1,5 triệu lượt vé cho Tết năm nay dành cho tuyến quốc tế và nội địa (hơn 2/3 là vé nội địa, tăng khoảng 20% so với năm trước). Riêng Jetstar Pacific cho biết, sẽ tăng cường thêm 2 máy bay để phục vụ trong dịp Tết năm nay.
Mặc dù vậy, chỉ sau hơn một tuần các hãng hàng không chính thức bán vé Tết, nhiều đại lý bán vé máy bay đã thông báo hết vé giá rẻ và vé khuyến mãi, chỉ còn vé dành cho hạng phổ thông và thương gia. Bên cạnh đó, giá vé tại các đại lý cũng chênh lệch khá cao.
Cụ thể, một đại lý vé máy bay trên đường Ngô Quyền báo giá cho chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng của hãng Vietnam Airlines vào ngày 25-1-2017 là 2,4 triệu đồng, trong lúc một đại lý khác lại báo giá là 2,7 triệu đồng. Cả hai đều cho rằng đây là giá mình đưa ra tốt nhất, không thể giảm được nữa (!). Tương tự, hai đại lý của Vietjet Air trên đường Nguyễn Văn Linh báo giá chặng thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội với giá lần lượt là 3,4 triệu đồng và 3,2 triệu đồng; cả hai đều bảo đảm giá tốt nhất không thể rẻ hơn.
Không những báo giá khá cao và chênh lệch nhiều như vậy, các đại lý còn khuyến cáo khách nên trả tiền ngay để giữ vé, vì chỉ cần qua vài ngày giá sẽ tiếp tục tăng, còn vài tuần nữa là hết vé. Đặc biệt, tại các trang thông tin điện tử của các đại lý này cũng “hợp tác” tạo nên cơn sốt vé khi khách hàng đăng nhập vào hệ thống để mua thì thường xuyên nhận được thông báo “hệ thống đã hết chỗ, vui lòng điện thoại cho đại lý...”.
Thế nhưng, khi đăng nhập vào trang thông tin điện tử của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air... thì tình hình hoàn toàn trái ngược. Sau khi điền đầy đủ thông tin về thời gian đi, đến; nơi đi, nơi đến... thì chỉ vài chục giây đã có kết quả với nhiều giờ bay trong ngày, với nhiều giá để hành khách chọn lựa. Ví dụ như chuyến bay thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, ngày 23-1-2017, trang thông tin điện tử của VietJet Air thông báo nhiều mức giá dao động từ 1,4 - 1,8 triệu đồng, rẻ hơn gần 1 triệu đồng so với giá của các đại lý đưa ra.
Vé tàu lửa: 10 phút là hết
Ông Phạm Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội vé Ga Đà Nẵng cho biết, đúng 8 giờ ngày 1-10, ga mở cửa bán vé Tết Đinh Dậu, tuy nhiên chỉ đúng 10 phút sau thì... hết vé. Giải thích điều này ông Thanh cho biết, năm nay việc tổ chức bán vé chủ yếu là qua mạng, nên chỉ sau 10 phút mở bán thì trên hệ thống đã thông báo hết vé.
Tuy nhiên, con số này không hoàn toàn phản ánh đúng số người thực tế mua được vé mà chỉ phản ánh số người đăng ký “giữ chỗ” mua vé trên mạng. Nếu như những năm trước ngành đường sắt quy định thời gian giữ vé trên hệ thống là 48 giờ, nếu sau giờ này người mua không thanh toán tiền thì hệ thống sẽ tự động hủy kết quả này, để trả chỗ lại cho người khác mua thì năm nay có sự thay đổi là thời gian giữ chỗ kéo dài lên đến 72 giờ, điều này khiến cho tình trạng khan hiếm vé ảo trên mạng càng tăng cao. Đặc biệt, đây là “lỗ hổng” để “cò” có đất sống; bằng cách đăng ký mua 4 vé (theo quy định), “cò” vé sẽ tìm người mua, sau đó đợi đến đúng 72 giờ việc giữ chỗ tự động bị hủy thì “cò” vé ngay lập tức đăng ký vé cho khách hàng của mình ăn chênh lệch.
Phát hiện ra điều này, những ngày qua, nhân viên bán vé của Ga Đà Nẵng cũng đã lên mạng ngồi “canh” những vé vừa hết hạn là đăng nhập (chỉ vài chục giây, vì chậm là mất chỗ) trên hệ thống để mua vé. Nhờ cách làm này, qua 3 ngày đầu tiên, Ga Đà Nẵng bán ra được 860 vé cho khách.
Ngoài những khó khăn do việc mua vé qua hệ thống như vậy, năm nay, hành khách đi tàu còn chịu thiệt thòi do các chặng ngắn rất khó mua vì ngành đường sắt ưu tiên bán vé cho các chặng đường dài, nhất là các chặng xuyên Việt. Vì vậy, nhiều trường hợp cho dù có nhu cầu đi chặng ngắn, nhưng hành khách buộc phải mua cả chặng dài nên khá tốn kém.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng, đây là bất hợp lý và cho biết sắp tới sẽ có ý kiến với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường vé cho chặng Đà Nẵng đi Vinh và Thanh Hóa, vì đây là chặng có rất nhiều người đi trong dịp Tết. Còn như hiện nay có không ít hành khách đã mua vé, trong khi nhu cầu chỉ đi từ Đà Nẵng đến Vinh hoặc Thanh Hóa nhưng buộc phải mua vé chặng Đà Nẵng-Hà Nội rất tốn kém cho người dân.
Bài và ảnh: Thanh Vân