Trong 8 tháng đầu năm, cùng với việc thu ngân sách đạt kết quả khả quan, ngành thuế thành phố đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để nợ thuế phát sinh lớn.
Kiểm soát nợ thuế tốt tạo môi trường hoạt động minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp. (ảnh mang tính minh họa) |
Nợ thuế giảm
Số liệu từ Cục Thuế thành phố cho thấy, tính đến 31-8, tổng nợ thuế toàn thành phố là 1.579 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền thuế, phí, tiền chậm nộp là 782 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 49,5% trên tổng nợ); nợ tiền sử dụng đất là 338,4 tỷ đồng (chiếm 21,42% tổng nợ); nợ khó thu là 450 tỷ đồng (chiếm 28,5% tổng nợ); nợ có khả năng thu là 1.120 tỷ đồng (chiếm 70,91%); các khoản nợ đang chờ xử lý là 9,3 tỷ đồng (chiếm 0,59%). Một số đơn vị có số nợ thuế lớn như: Công ty CP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng nợ thuế 52,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Besra Việt Nam nợ 9,9 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tư vấn và xây dựng Kid nợ 25,1 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng và đầu tư 595 nợ 9,9 tỷ đồng…
Ở khối các Chi cục Thuế, tổng số nợ tính đến cuối tháng 8 là 682,4 tỷ đồng (chiếm 43,2% trên tổng nợ thuế toàn thành phố). Cụ thể, quận Hải Châu có số nợ thuế 218,9 tỷ đồng, quận Thanh Khê: 120,8 tỷ đồng, quận Cẩm Lệ: 87,4 tỷ đồng, quận Sơn Trà: 66,7 tỷ đồng, quận Ngũ Hành Sơn: 52,3 tỷ đồng, quận Liên Chiểu: 74 tỷ đồng và huyện Hòa Vang 62,1 tỷ đồng. Nhìn nhận về nợ thuế trên địa bàn quận, ông Trương Công Khoái, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, đến thời điểm này nợ thuế đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Bằng các biện pháp đôn đốc thu nợ như gửi giấy mời, điện thoại, trích tiền từ tài khoản gửi ngân hàng… Chi cục Thuế quận đã thu nợ được gần 173 tỷ đồng. Hiện nay, nợ có khả năng thu trên toàn quận gần 117 tỷ đồng, nợ khó thu gần 103 tỷ đồng.
Đánh giá tổng quan về nợ thuế, ông Hồ Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Cục Thuế thành phố cho biết: “Qua 8 tháng đầu năm 2016, nợ thuế trên địa bàn thành phố đã giảm được 69 tỷ đồng (4,18%) so với cuối năm 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong điều kiện như hiện nay, để kiểm soát được nợ thuế không phát sinh lớn đã là nan giải, giảm nợ thuế càng khó khăn hơn. Đặc biệt, hiện nay số tiền chậm nộp khá lớn, lên tới 524 tỷ đồng và có chiều hướng tăng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và có cơ chế phù hợp trong đánh giá thực tế tình hình nợ tại địa phương. Bởi lẽ, số tiền chậm nộp phát sinh từ những đơn vị nợ thuế chây ỳ chưa trả nợ, trong đó thực tế có rất nhiều đơn vị đã bỏ kinh doanh mang theo nợ thuế, ngành thuế không thể thu hồi được nữa nhưng tiền chậm nộp vẫn phải tính”.
Tập trung thu hồi nợ tiền sử dụng đất
Nhằm tăng cường công tác kiểm soát, giảm nợ thuế, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách trong những tháng cuối năm 2016. Theo đó, đối với vấn đề nợ thuế, yêu cầu Cục Thuế phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung vào các dự án có số nợ tiền sử dụng đất còn lớn; tính lại tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp theo đúng quy định để đôn đốc thu hồi nợ tiền sử dụng đất. Rà soát, trình UBND thành phố thủ tục thu hồi đối với các dự án thành phố đã có chủ trương thu hồi và các dự án chây ỳ trong việc nộp tiền sử dụng đất trước ngày 30-10. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát tình hình nợ tiền sử dụng đất đối với các hộ dân tái định cư, phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nắm bắt chủ trương, chính sách của UBND thành phố về thu nợ tiền sử dụng đất.
Về phía ngành thuế, ông Hồ Văn Hiệp cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành thuế thành phố triển khai đồng loạt các giải pháp nghiệp vụ, đúng quy định của pháp luật nhằm giảm nợ thuế. Trong đó, tập trung vào thu hồi những khoản nợ có khả năng thu, nhất là những đơn vị có số nợ lớn. Với những trường hợp nợ chây ỳ, ngành tiến hành các biện pháp phong tỏa hóa đơn, kê biên tài sản, thông báo về Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh. Cũng có những trường hợp, cơ quan thuế phải thu nợ thuế từ bên thứ ba. Ông Hiệp cho biết thêm, đối với việc quản lý nợ thuế, ngành thuế thành phố đã có những kiến nghị lên các cấp, trong đó có đề xuất giải pháp xem xét ban hành cơ chế xóa nợ thuế một cách công bằng, đúng pháp luật. Nếu giải pháp này được triển khai phù hợp sẽ giúp các địa phương đánh giá đúng tình hình nợ thuế trên thực tế.
Bài và ảnh: Khánh Hòa