Hiện nay, để chiếm lĩnh thị phần tài chính tiêu dùng, nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC) đã và đang nỗ lực kích hoạt nhiều chương trình vay trả góp với mức lãi suất 0%/năm. Liệu đây có phải là chiêu trò của công ty tài chính nhằm hút khách và chiếm lĩnh thị phần?
Không phải chiêu trò lừa khách hàng
Nếu như trước đây, các chương trình ưu đãi lãi suất 0% chỉ được các ngân hàng, CTTC tung ra vào dịp lễ, tết, thì hiện nay, hình thức này liên tục được các CTTC đưa trong suốt cả năm. Thậm chí, một số đơn vị còn áp dụng mức lãi suất này trong suốt quá trình vay từ 6 tháng đến 1 năm.
Đối diện với những ý kiến trái chiều về dịch vụ cho vay trả góp 0% xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây, lãnh đạo một CTTC khẳng định: Đây thực sự không phải là chiêu trò gì, chẳng qua là công ty đã có sự hợp tác và chia sẻ của các đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất. Để có thể áp dụng được mức lãi suất ưu đãi trên, chúng tôi đã phải gặp gỡ các nhà cung cấp để thỏa thuận, sau khi đàm phán rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhận ra rằng, kết hợp với CTTC cho vay 0% lãi suất, lợi nhuận trên một sản phẩm có thể giảm chút ít nhưng doanh số sẽ tăng nhờ bán được nhiều sản phẩm hơn.
Với những sản phẩm này, cả 4 bên sẽ cùng có lợi, người tiêu dùng được vay với lãi suất ưu đãi, nhà sản xuất và nhà bán lẻ bán sẽ thu hút được nhiều khách hàng, CTTC có khách hàng và Chính phủ cũng sẽ thu được nhiều thuế hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả khách hàng của chúng tôi được vay với mức 0%. Trong thực tế, một số khách hàng vẫn phải chịu lãi suất cao vì có lịch sử tín dụng không tốt.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, có thể hiểu nôm na là CTTC không thu lãi từ người tiêu dùng mua hàng trả góp mà đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất sẽ “chiết khấu” lại cho CTTC.
Trong những năm gần đây, dịch vụ cho vay tài chính của các CTTC phát triển khá mạnh, hiện chiếm 20% thị phần cho vay tiêu dùng. Đối tượng mà các CTTC hướng đến là những khách hàng không có khả năng tiếp cận được với ngân hàng, những người có mức thu nhập trung bình và thấp. Với những ưu đãi như lãi suất 0%, giải quyết hồ sơ vay trong vòng 15-30 phút, cho vay tín chấp…, loại hình dịch vụ này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong xã hội, nhất là với người có thu nhập thấp
Ai là người hưởng lợi
Theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ các chương trình vay tiêu dùng lãi suất 0%. Được biết, lãi suất 0% sẽ được áp dụng trong suốt thời hạn của khoản vay. Đơn cử như với khoản vay mua điện thoại (giá khoảng 10 triệu đồng) với lãi suất 0% trong 6 tháng, khách hàng sẽ phải trả trước 30% là 3 triệu đồng, 7 triệu đồng còn lại sẽ chia đều trả dần trong 6 tháng.
Theo ông Lưu Quốc Yên, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên VACOD – Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi từ sự liên kết các CTTC và doanh nghiệp bán lẻ. Thậm chí, có những sản phẩm bán trả góp với lãi suất 0%, mà thực chất giá không hề bị đẩy lên. Hơn nữa sự hợp tác này sẽ giúp CTTC và doanh nghiệp cũng bán được nhiều hàng hơn, đôi bên cùng có lợi.
Thay vì doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư nhiều cửa hàng, họ lại hạn chế mở rộng quy mô, tập trung tiếp cận khách hàng theo các phương thức như bán hàng online, quảng cáo đến tận người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp bán lẻ đã tiết giảm được rất nhiều chi phí vận hành cho một hay nhiều cửa hàng, chỉ phải duy trì chi phí thuê kho.
“Một khi doanh nghiệp cắt giảm được chi phí thì cho dù họ bán một sản phẩm vẫn với mức giá cũ cũng sẽ thu được lãi nhiều hơn, do không phải gánh nhiều chi phí khác. Chẳng hạn khi bán một chiếc tủ lạnh giá 17 triệu đồng, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà gọi điện hoặc “click” chuột là sẽ có người giao hàng đến tận nơi. Thậm chí, nhà bán lẻ sẵn sàng giảm giá sản phẩm chỉ còn 16,9 triệu đồng để đảm bảo luôn rẻ hơn giá trị trường. Bên cạnh đó, các CTTC sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách cho vay lãi suất 0%. Chắc chắn các ưu đãi trên sẽ làm thỏa mãn mọi đối tượng khách hàng”, ông Lưu Quốc Yên thông tin thêm.
Cùng chung quan điểm, GS,TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo hướng liên kết 4 bên sẽ rất có lợi. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận gói tín dụng một cách đa dạng hơn, qua đó có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp bằng hình thức mua trả góp. Các CTTC thì mở rộng thị phần và thu hút khách hàng, đồng thời có cơ hội để đa dạng hóa sản phẩm cho vay. Còn về phía nhà phân phối, họ sẽ bán được nhiều hàng hóa và tăng doanh thu. Cuối cùng, nhờ cầu mua tăng nên nhà sản xuất cũng không phải lo lắng giải quyết vấn đề hàng tồn kho mà còn thúc đẩy sản xuất phát triển.
"Toàn bộ chuỗi quy trình trên chắc chắn sẽ góp phần kích thích tiêu dùng cá nhân, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế” GS.,TS. Nguyễn Quang Thái phân tích.
LAN HƯƠNG