Kinh tế

Ngành viễn thông chủ động trước mùa mưa bão

08:44, 17/10/2016 (GMT+7)

Để chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới, các đơn vị viễn thông trên địa bàn thành phố tập trung kiểm tra mạng lưới, cơ sở hạ tầng, tổ chức bảo dưỡng, duy tu nhà trạm. Ngành viễn thông cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống lụt bão nhằm bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố triển khai phương án cụ thể để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố triển khai phương án cụ thể để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới.

Sẵn sàng nguồn nhân vật lực

Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) cho biết, trước mùa mưa bão, VNPT Đà Nẵng đã xây dựng các phương án, các kịch bản tình huống cụ thể phù hợp với mạng lưới và địa bàn từng đơn vị, bảo đảm nguyên tắc “4 tại chỗ” và thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

Đây là bài học kinh nghiệm mà VNPT Đà Nẵng triển khai trong nhiều năm qua nhằm chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. “Thời điểm trong và sau bão lũ, với sự cố bất khả kháng mất liên lạc diện rộng, khách hàng không chỉ quan tâm để việc khôi phục liên lạc mà còn quan tâm cả cách ứng xử của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy để tạo dựng niềm tin, uy tín và chia sẻ khó khăn với khách hàng, VNPT Đà Nẵng đã kiến nghị Tập đoàn Viễn thông có chính sách giảm giá cước do mất liên lạc, hỗ trợ phương tiện liên lạc, có gói cước hợp lý hỗ trợ địa phương khắc phục thiên tai…”, ông Túy nói.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố đã lập kế hoạch huy động nguồn lực của DN sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lãnh đạo thành phố và Ban chỉ huy tiền phương của Trung ương. Từ việc chỉ đạo cán bộ điều hành và nhân viên kỹ thuật trực 24/24 giờ đến việc xây dựng mạng lưới, trạm BTS lưu động và thiết bị đầu cuối thông tin liên lạc… đều đã được Sở TT&TT lên phương án sẵn sàng.

Theo Chi nhánh Viettel tại Đà Nẵng, để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, Viettel đã lọc ra khoảng hơn 100 trạm BTS ở các vị trí trung tâm thành phố. Đặc biệt, Viettel có các trạm BTS phủ sóng biển đảo (phủ xa hơn 100km) để phục vụ thông tin cho tàu thuyền trên biển, bảo đảm công tác cứu nạn và cứu hộ kịp thời. “Khi có thiên tai, mạng lưới viễn thông hiện có đủ khả năng và sẵn sàng phục vụ cho sự lãnh đạo của chính quyền thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố. Ngoài ra, một số thiết bị có tính chất cơ động, thiết bị dự phòng có thể trưng dụng để thiết lập hệ thống thông tin liên lạc như thiết bị codan, máy vô tuyến sóng ngắn, tổng đài điện thoại, phương tiện vận chuyển…”, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết.

Bảo đảm an toàn cho các trạm BTS

Hơn 1 tháng trước, Sở TT&TT cũng đã yêu cầu các DN di động triển khai rà soát toàn bộ và xử lý ngay các tồn tại cột ăng-ten để bảo đảm an toàn cho cột và bảo đảm thông tin liên lạc như gia cố, hạ thấp độ cao, bảo dưỡng các công trình thông tin và truyền thông… Vừa qua, Sở TT&TT phối hợp với Sở Xây dựng thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn cột ăng-ten trạm BTS tại các DN viễn thông trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra thực tế lấy mẫu 48 trạm BTS (chủ yếu tập trung khu vực ven biển) thì có đến 22 trạm BTS có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn như thân cột ăng-ten bị rỉ rét, các dây co chạm vào nhau… Đoàn kiểm tra đã đề nghị các DN viễn thông lưu ý chấp hành đúng quy định về công tác phòng cháy chữa cháy đối với trạm BTS, neo giằng mái tôn chống nóng phòng máy, bổ sung dây co.

Theo số liệu thống kê của Sở TT&TT, trong năm 2016, có 22 trạm BTS hạ bớt độ cao ăng-ten, 5 trạm BTS chuyển đổi từ sử dụng cột ăng-ten cồng kềnh sang trạm BTS thân thiện với môi trường. “Trong trường hợp cần thiết phải xây dựng cột ăng-ten cồng kềnh, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải tính toán, thiết kế cột ăng-ten chịu đựng được bão với sức gió thấp nhất là cấp 17”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Hiện Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng đã bảo đảm cổng tin nhắn để phục vụ nhắn tin các thông tin mới nhất về thiên tai cũng như hướng dẫn tổ chức phòng tránh thiên tai (tên tin nhắn SMS là “PCLB Danang” hoặc “6000”) cho lãnh đạo chính quyền và người dân thành phố. “Tổng đài Trung tâm Thông tin dịch vụ công sẽ tổ chức trực 24/24 giờ để sẵn sàng cung cấp thông tin mới nhất về thiên tai cũng như hướng dẫn tổ chức phòng chống thiên tai của lãnh đạo thành phố cho người dân và cộng đồng; cung cấp các thông tin, địa chỉ, vị trí các nhà tránh bão, lũ trên địa bàn cho người dân được biết”, ông Phạm Trường Quốc Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng chia sẻ. Theo ông Vương, trong mùa mưa bão sắp tới, Trung tâm cũng sẽ mở kênh tiếp nhận thông tin (điện thoại, tin nhắn) các trường hợp gặp sự cố, mắc kẹt của người dân chuyển Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn để tổ chức cứu hộ.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.