Bên cạnh một số chợ lớn được công nhận đạt chuẩn văn minh thương mại, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt hơn người dân và du khách.
Các khu hàng thực phẩm tươi sống của các chợ hiện nay cần được nâng cấp, cải tạo để đạt chuẩn. |
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, nguồn hàng thực phẩm nhập về Đà Nẵng bằng nhiều con đường rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng trái cây, thịt, trứng… Tại các chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác; hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực chợ còn tạm bợ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Một số cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương chạy theo lợi nhuận, cố tình đưa hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vào buôn bán trong chợ.
Đa số tiểu thương kinh doanh tại chợ khi được hỏi về chất lượng đều không thể phân biệt được hàng sạch - hàng bẩn. Ban quản lý (BQL) các chợ cũng lúng túng về điều này, vì người bán lẻ chỉ lấy lại hàng từ chủ buôn, trong khi lực lượng quản lý chợ không có thiết bị kiểm tra chất lượng hàng hóa. Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho rằng: “Hộ kinh doanh lớn có thể bảo đảm được độ tin cậy; còn hộ buôn bán nhỏ, đại trà rất khó kiểm soát. Nếu không có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng ở các khâu thì việc giám sát xuất xứ hàng hóa từ các địa phương về chợ Đà Nẵng chỉ xác định theo cảm tính. Chẳng hạn, xe tải 15 tấn trở lên đưa hàng về chợ Đầu mối Hòa Cường không phải thu gom từ một vựa mà từ nhiều nơi khác nhau. Như vậy, để truy nguồn gốc các thực phẩm sẽ không dễ dàng như các mặt hàng sản xuất tại chỗ”.
Được biết, năm 2016, các chợ đã đầu tư kinh phí để triển khai chợ ATVSTP. Cụ thể, chợ Hàn, chợ Đống Đa: 630 triệu đồng; chợ Mới, chợ Hòa Thuận: 395 triệu đồng; chợ Phú Lộc: 650 triệu đồng; chợ Hòa Khánh: 750 triệu đồng; chợ Cẩm Lệ: 1,6 tỷ đồng; chợ An Hải Đông: 529 triệu đồng; chợ Non Nước: 550 triệu đồng; chợ Túy Loan: trên 2,5 tỷ đồng... Hầu hết các chợ đã có thiết bị kiểm tra nhanh việc sử dụng hàn the trong những mặt hàng như giò, chả, nem, bún, phở, mì. Đối với những mặt hàng khác, chưa có thiết bị thử nhanh để đánh giá các chỉ tiêu ATVSTP.
Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa trước khi đưa vào chợ. Các đội bảo vệ được phân công giám sát chặt chẽ, tập trung các ngành hàng có nguy cơ cao như: ăn uống, thịt, cá, các sản phẩm từ thịt… đồng thời, yêu cầu tiểu thương ký cam kết và kiên quyết xử lý những trường hợp kinh doanh vi phạm hàng quá hạn sử dụng, nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá cả.
Công tác vệ sinh môi trường, xịt rửa nền, dọn vệ sinh quầy sạp hàng thịt, cá, khu rửa chén thực hiện vào cuối mỗi ngày kinh doanh. Định kỳ các chợ phối hợp tổng vệ sinh, cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu hàng hóa đưa đi kiểm nghiệm; tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc... Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, một số hạng mục tại các chợ như hệ thống thoát nước, mặt nền các khu còn thấp, nhiều nhà lồng chợ chưa có trần chống nóng, hàng hóa trưng bày lộn xộn, quy cách quầy hàng ăn, thức uống chưa bảo đảm vệ sinh.
Sự kiện Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) thu hút đông đảo các đoàn khách nước ngoài. Hoạt động thương mại vì thế cũng sôi động hẳn. Song, tình trạng xuống cấp của các chợ cũng như ATVSTP là vấn đề rất đáng quan tâm. ABG 5 là hoạt động bản lề cho việc tổ chức các sự kiện lớn hơn tại Đà Nẵng như Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Vì vậy, các ngành chức năng thành phố cần nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện bộ mặt chợ truyền thống Đà Nẵng nhằm bảo đảm niềm tin, thu hút khách hàng.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH