.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm

.

Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố “giữ chân” khách hàng. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều DN quan tâm đến bộ tiêu chí này vì khó khăn về chi phí và nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm để hội nhập và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm để hội nhập và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tăng sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay, việc sản xuất phần mềm đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt về chất lượng, không chỉ riêng chất lượng sản phẩm mà toàn bộ hệ thống làm ra sản phẩm đó. Bởi ngoài chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng thì chất lượng là yếu tố quan trọng để khách hàng xem xét, lựa chọn ký hợp đồng gia công phần mềm. “Mỗi DN thường có những khách hàng khác nhau nên có một bộ tiêu chí quản lý về chất lượng sản phẩm phần mềm khác nhau. DN phần mềm phải thực sự hiểu khách hàng cần gì thì từ đó mới đưa ra sản phẩm đạt chất lượng. FPT Software thường nhận đơn đặt hàng gia công phần mềm cho đối tác Nhật Bản mà đây là khách hàng khó tính nên chúng tôi xây dựng bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm để đem lại niềm tin cho họ. Thông qua đó, chúng tôi thống nhất với khách hàng về mặt bằng chất lượng cho sản phẩm phần mềm để giao hàng đúng thời hạn với chi phí thấp nhất”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết.

Hiện Đà Nẵng là một trong những thị trường mới nổi về gia công xuất khẩu phần mềm nhưng quy mô các DN vẫn còn nhỏ. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh, các DN phần mềm cần phải nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Đây cũng chính là “cánh cửa” giúp các DN phần mềm địa phương đủ tự tin thâm nhập vào các thị trường mới, ngoài thị trường truyền thống là Nhật Bản và Mỹ.

Thông thường, các đối tác nước ngoài đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của một DN phần mềm theo 3 yếu tố gồm: sản phẩm, quy trình và các chứng chỉ quốc tế như ISO 9001:2000, TL9000 và CMMI. Là DN gia công xuất khẩu phần mềm đạt chứng chỉ CMMI cấp độ 5 (cấp độ cao nhất), ngay từ những ngày đầu mở chi nhánh tại Đà Nẵng, Công ty Global CyberSoft cũng đã quan tâm đến việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phần mềm.

Bởi theo DN này, không thể làm ra một sản phẩm phần mềm có chất lượng tốt trong một môi trường không tốt. “Việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm sẽ giúp các nhân viên trong DN làm việc chuyên nghiệp hơn, sản phẩm đầu ra sẽ nhanh hơn và tốt hơn. Đây cũng chính là “điểm cộng” giúp các DN lấy được lòng tin của khách hàng cũng là “tấm bằng” để cạnh tranh với các DN khác”, bà Đỗ Thị Ngọc Vân, Trưởng nhóm Quản lý chất lượng, Chi nhánh Công ty Global CyberSoft Việt Nam tại Đà Nẵng nói.

Còn nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Phần mềm (HHPM) Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 100 DN chuyên gia công xuất khẩu phần mềm nhưng không nhiều DN quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm. Hầu như chỉ có những DN lớn như FPT Software, Axon Active, Gloal CyberSoft… mới có các chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm cũng như chú trọng đào tạo nhân viên đảm nhiệm vị trí chủ chốt này. “Nếu một sản phẩm phần mềm đạt chất lượng có thang điểm 10 thì để đạt từ thang điểm 1 lên thang điểm 9, DN phải nỗ lực gấp đôi.

Nhưng từ thang điểm 9 lên thang điểm 10, DN lại phải nỗ lực gấp ba, gấp bốn nữa. Nói như vậy để thấy, việc đạt chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm là rất khó. Khó không phải là chúng ta không làm bởi qua chứng chỉ đó khách hàng mới có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức quản lý công việc của các DN phần mềm tại Đà Nẵng”, ông Phương chia sẻ. Theo ông Phương, hiện chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài thẩm định chứng chỉ về quản lý chất lượng sản phẩm phần mềm cho DN rất tốn kém, trong khi đó việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ lại rất khó khăn.

Hiện nay, các trường đại học và cao đẳng vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo chính quy kỹ sư giám sát chất lượng sản phẩm phần mềm nên các DN thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Thông thường, các DN phần mềm phải tự bỏ chi phí để đào tạo kỹ sư giám sát chất lượng cũng như nhân viên lập trình phải tự rèn luyện qua những giờ làm việc thực tế từ 3-5 năm mới đảm nhiệm vị trí quan trọng này. “Kỹ sư quản lý chất lượng có vai trò quyết định trong việc triển khai và phát huy hiệu quả các hệ thống quản lý chất lượng.

Họ không chỉ là người nắm chiến lược quy trình, các khó khăn của dự án mà còn là người biết khách hàng cần gì để làm ra sản phẩm đạt chất lượng nhất. Thực tế, mỗi DN có một quy trình khác nhau, khách hàng khác nhau nên không có giáo trình học cụ thể cho vị trí này mà thường các kỹ sư quản lý chất lượng phải tự mày mò học hỏi qua công việc thực tế”, chị Vân cho hay.

Theo HHPM Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa có một mô hình quản lý chất lượng chuẩn cho DN phần mềm tại Đà Nẵng dùng chung. Vì vậy, các công ty phần mềm cần phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Từ đó, hình ảnh ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng mới có bản sắc riêng trên “bản đồ” công nghệ thế giới.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.