Những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân chú trọng phát triển ngành dịch vụ hậu cần nghề cá. Một trong những tổ chức điển hình là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ hậu cần nghề cá Hải Nhi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Tàu dịch vụ hầu cần nghề cá ĐNa 90444 thu mua hải sản tại khu vực Vịnh Bắc bộ. |
Cung ứng từ đá, dầu đến những viên thuốc
Có dịp theo tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa 90444 có công suất 1.300CV của anh Lê Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hải Nhi đi thu mua hải sản tại ngư trường miền Trung và Vịnh Bắc bộ, chúng tôi biết được tiện ích của dịch vụ hầu cần nghề cá. Khi tàu QB 91557 của anh Mai Văn Tiến vừa kéo mẻ lưới cá nục nặng gần 7 tấn lên sàn tàu, những con cá tươi rói nhảy lách tách thì tàu dịch vụ hậu cần ĐNa 90444 ghé sát để thu mua. Thuyền viên của hai tàu nhanh chóng cho cá vào các khay (mỗi khay 10kg) rồi chuyển qua tàu dịch vụ hậu cần đưa xuống các hầm cá. Khoảng 1 tiếng đồng hồ, hàng tấn cá nục tươi đã được các thuyền viên chuyển xuống các hầm cá của tàu hậu cần. Thuyền trưởng tàu ĐNa 90444 thanh toán tiền nhanh gọn. Dù rất mệt nhưng thấy tiền được trao tận tay, chủ tàu QB 91557 và các thuyền viên đều hớn hở.
“Trước đây, ngư dân đi đánh cá 7-10 ngày phải quay vào bến để bán, mất thời gian và phí tổn, trong khi ở bến nếu tàu vào quá nhiều sẽ bị các chủ thu mua ép giá. Tàu dịch vụ hậu cần thu mua trên biển với giá hợp lý, ngư dân rất có lợi”, ngư dân Mai Văn Tiến chia sẻ.
Không chỉ thu mua, các tàu dịch vụ của HTX Hải Nhi còn cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngư dân như dầu, nước ngọt, thực phẩm tươi sống, gạo cho đến thuốc men phục vụ thuyền viên khi ốm đau. Ngư dân Trương Kiều Hưng (37 tuổi, quê Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chủ tàu QB 91766) cười nói: “Rất tiện lợi! Khi cần đá, cần dầu, nước uống… phục vụ thêm cho chuyến biển, chỉ cần gọi qua bộ đàm thì tàu hậu cần sẽ cung ứng ngay. Có những lúc anh em thèm rau tươi, tàu dịch vụ cũng cho không anh, em”.
Ông Lê Mến, “cha đẻ” của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá Đà Nẵng cho biết, với phương châm phục vụ tối đa để bà con ngư dân yên tâm bám biển, họ cần một viên thuốc đau bụng, dù ở xa hàng chục hải lý, mình cũng phải đem đến cho họ. “Mục đích cuối cùng là giúp ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Về phần mình thì đem được những con cá tươi vào tiêu thụ cho người dân với giá cả phải chăng”, ông Lê Mến nói.
Thực hiện theo mô hình khép kín
HTX Hải Nhi được thành lập năm 2015 trên cơ sở Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ số 1 thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hải Nhi, anh Lê Văn Sang cho biết, tổ được thành lập từ năm 2012 với 4 thành viên, có nhiệm vụ thu mua hải sản trên biển, cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngư dân miền Trung. Quá trình hoạt động đã mang lại hiệu quả cao, ngư dân yên tâm bám biển; các lao động có thu nhập khá. Tuy nhiên, tổ vẫn mang tính nhỏ lẻ. Để tập hợp nhiều hơn nữa các thành viên, tổ dịch vụ chủ trương thành lập HTX mang tên Hải Nhi, gồm 7 thành viên sáng lập. Từ khi hình thành HTX, quy mô hoạt động lớn và chuyên nghiệp hơn. Hằng ngày, các tàu hậu cần luân phiên ra biển để thu mua hải sản cho ngư dân tại vùng biển miền Trung và vịnh Bắc Bộ; cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm, đá, nước uống, thuốc men cho ngư dân yên tâm đánh bắt.
Từ đầu năm 2016 đến nay, 11 tàu dịch vụ hậu cần của HTX đã thu mua hơn 10.000 tấn hải sản các loại; cung cấp hàng chục tấn dầu, lương thực, thực phẩm cho ngư dân; qua đó cho thu nhập mỗi lao động từ 80-90 triệu đồng/11 tháng.
Không dừng lại ở đó, anh Lê Văn Sang cho biết, HTX Hải Nhi hướng đến quy trình khép kín và chuyên nghiệp. HTX xây dựng nhà máy sản xuất nước đá quy mô 600 cây/ngày để trực tiếp cung cấp cho ngư dân; xây dựng nhà dưỡng cá quy mô 300 tấn để dưỡng sản phẩm đã được cấp đông khi hải sản vận chuyển về bờ nhiều mà chưa kịp tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cấp đông gió âm 41 độ C.
Theo các thành viên, tham vọng lớn của HTX Hải Nhi là khi HTX hoạt động ổn định sẽ đóng thêm một tàu vỏ thép “mẹ” làm dịch vụ hậu cần, có chiều dài 50m, rộng 9m. Nhiệm vụ của tàu là gom hàng từ các con tàu nhỏ của HTX hoạt động trên biển chở về đất liền, các tàu con tiếp tục hoạt động thu mua. Đặc biệt hơn, “tàu mẹ” còn có nhiệm vụ sản xuất nước biển thành nước đá để cung cấp trực tiếp cho ngư dân với giá rẻ. Với hình thức này, ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt hải sản, không chịu phí tổn, giá thu mua hải sản phải chăng, được cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và đá, nước ngọt kịp thời…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ