.

Đầu tư nhân lực và có cơ chế đặc thù cho logistics

.

Đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức cạnh tranh cho hoạt động logistics... là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung” diễn ra chiều 9-11 ở Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung Huỳnh Đức Thơ và nhiều GS, TS đầu ngành.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với các chuyên gia bền lề hội thảo.  							                  Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với các chuyên gia bền lề hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hoạt động dịch vụ logistics nhỏ lẻ

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, khu KTTĐ miền Trung có gần 20 cảng biển lớn, nhỏ, nhưng tổng sản lượng hàng hóa qua cụm cảng năm 2014 đạt 55,5 triệu tấn, chiếm 13% thị phần cảng cả nước, trong đó sản lượng hàng container chỉ chiếm 2,8% thị phần cả nước. Theo ông Hiệp, nguyên nhân do năng lực sản xuất cũng như thị trường ở miền Trung quá nhỏ lẻ, các khu công nghiệp hoạt động chưa hiệu quả nên không tạo nguồn hàng đủ lớn và ổn định để cung cấp cho cả nước.

Thêm nữa, mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các cầu bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Vì vậy, các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng rồi đem đến các cảng Hải Phòng hoặc thành phố Hồ Chí Minh để xuất. Ngoài ra, theo Thông tư 17 của Bộ Giao thông vận tải, sân bay quốc tế Đà Nẵng không được quá cảnh hàng hóa sang Lào, điều này vô hình trung cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics vốn còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Đà Nẵng và khu vực.

Một nguyên nhân nữa, theo GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng lẫn chất lượng. Thực tế, nguồn nhân lực logistics hiện nay có đến 80,26% số người tự tích lũy kiến thức về logistics.

Nguồn cung nhân lực logistics trình độ đại học ở Việt Nam còn rất yếu, cả nước chỉ mới có một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành logistics nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó, ở khu vực duyên hải miền Trung hiện chỉ có Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đào tạo chuyên ngành logistics với quy mô tuyển sinh từ 100-250 chỉ tiêu/năm. Ngoài ra, theo nhiều công ty vận tải, chi phí cho hoạt động này ở miền Trung quá cao.

Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics lớn của vùng

Đà Nẵng được đánh giá là một trong 5 địa phương có lợi thế lớn về hoạt động dịch vụ logistics vì có cảng biển, cảng hàng không, nhà ga xe lửa và hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ. Để phát triển hệ thống logistics trên địa bàn Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành đề án “Phát triển ngành dịch vụ logistics thành phố đến năm 2015, tầm nhìn 2020”.

Theo đó, hoàn thành nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, Cảng hành khách du lịch tại cảng Tiên Sa; xây dựng mới nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Quy hoạch cảng Tiên Sa trở thành Cảng Xanh chuyên về khai thác tàu container và tàu du lịch. Quy hoạch đô thị cảng biển quốc tế Liên Chiểu thành cảng tổng hợp, có tính đến quy hoạch các khu logistics chuyên nghiệp và hiện đại trong khu đô thị.

Hình thành các khu logistics chuyên nghiệp theo Quyết định 6893/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 10-10-2016 về việc phê duyệt sơ đồ ranh giới quy hoạch sử đụng đất mở rộng trung tâm logistics, kho bãi như khu logistics Hòa Nhơn, khu công nghệ cao, khu logistics tại khu vực phía tây Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc cảng Đà Nẵng cho biết, để phát triển dịch vụ logistics của cảng Đà Nẵng, ngoài việc đầu tư nâng cao năng lực khai thác tại cảng Đà Nẵng, đồng thời chú trọng đầu tư vào hệ thống kho bãi, depot, nhằm bảo đảm việc luân chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến các khu vực trong thành phố và các tỉnh lân cận nằm trên tuyến đường của vùng KTTĐ miền Trung. Về tầm nhìn chiến lược dài hạn, sau giai đoạn 2020-2025, cảng Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi logistics tại khu vực cảng Liên Chiểu nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics kèm theo.

Tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực

GS,TS Trần Văn Nam cho rằng, để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics, nguồn nhân lực rất quan trọng. Vì vậy, cần gia tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Một mặt, các trường đào tạo ngành này cần tăng cường đội ngũ giảng viên tiếp cận với chuẩn quốc tế nhằm mở rộng quy mô đào tạo. Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng phát triển chuyên sâu thông qua hoạt động đào tạo mới, đào tạo lại và đặc biệt là tích lũy kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực logistics. Về phía doanh nghiệp logistics, cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các trung tâm logistics để thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc trong các công đoạn khác nhau của logicstics.

GS,TS Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, cần có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics để kết nối 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm, khai thác hiệu quả 5 tuyến hành lang kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương.

Phải có chính sách đặc thù về đất cho xây dựng các trung tâm logistics tại vùng KTTĐ nhằm thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong vùng, thông qua đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa. Có chính sách thu hút nhân lực logistics chất lượng cao và đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng KTTĐ miền Trung, trước hết là cho các trung tâm logistics.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ Huỳnh Đức Thơ cho rằng, chính quyền các địa phương trong vùng cần xác định ngành logistics là “chất keo” tổ chức, gắn kết cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ giúp các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện năng lực canh tranh.

Do đó, cần nâng cao nhận thức không chỉ cho các bộ phận quản lý Nhà nước mà còn cho một bộ phận các doanh nghiệp trong phương thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, để hoạt động logistics vùng KTTĐ miền Trung không còn là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm chứa đầy thách thức và rào cản đối với các doanh nghiệp.

Có chính sách huy động và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, viện trợ, vốn vay của các tổ chức trong và ngoài nước cùng các hình thức đầu tư phù hợp. Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng KTTĐ miền Trung thông qua việc nâng cao chất lượng giảng viên chuyên ngành logistics; liên kết với các trường đào tạo logistics tiên tiến trên thế giới; hoàn thiện các chương trình đào tạo logistics chuyên sâu cho các bậc học chính... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong vùng...

Phát biểu khai mạc tọa đàm “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)” do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức sáng 9-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, với vị trí là điểm cuối của tuyến EWEC, Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ chính ra Biển Đông, cảng Đà Nẵng được xem là cảng chủ lực của tuyến hành lang này và trở thành cảng container có quy mô lớn nhất miền Trung cho phép hàng hóa giữa các nước tuyến EWEC được lưu chuyển dễ dàng...

Nhờ đó, quan hệ trao đổi giữa Đà Nẵng và các nước EWEC, và thông qua đó thâm nhập vào các nước ASEAN đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, lợi ích mang lại còn nhỏ bé so với tiềm năng và yêu cầu đặt ra. Từ thực tế đó, cần phải có những định hướng, giải pháp phù hợp nhằm phát triển thương mại xuyên biên giới, nêu cao tinh thần liên kết, hợp tác vì sự phát triển bền vững giữa các nước tiểu vùng sông Mekong.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Myanmar thừa nhận: Mặc dù chính phủ nước này đã tạo ra nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ vận chuyển, tăng cường sự tương tác giữa các cộng đồng, gia tăng tính cạnh tranh nhưng thực tế, hạ tầng chưa tốt, hệ thống năng lực hoạt động vận tải chất lượng còn thấp, nguồn lực tài chính, trình độ quản lý logictics hạn chế...

Đại diện Hội Vận tải Thái Lan chỉ ra: Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận tải qua biên giới nhưng các thủ tục chưa rõ ràng, nhân viên hải quan lúng túng khi làm thủ tục, cơ chế pháp lý giữa các thành viên trên tuyến chưa đồng nhất. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng vận tải đa phương thức đang gặp những khó khăn, thách thức trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ; trong đó có việc thủ tục giám sát các lô hàng của cơ quan hải quan còn phức tạp, rườm rà; chi phí không chính thức gia tăng...

DUYÊN ANH

NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.