.

Khởi nghiệp ở Đà Nẵng nhìn từ Singapore: Những điểm tương đồng

.

Trong lần trở lại Đà Nẵng, anh Lê Thanh Sơn, cựu Giám đốc Startup Grind Singapore - một cộng đồng kết nối khởi nghiệp ở 85 quốc gia - đã gặp gỡ các nhà khởi nghiệp Đà Nẵng tại Vườn ươm doanh nghiệp. Theo anh Sơn, khởi nghiệp ở Đà Nẵng hiện có những điểm tương đồng với Singapore vào những năm đầu của làn sóng khởi nghiệp.

Dự án AntBuddy từ Đà Nẵng được chọn là một trong 4 dự án khởi nghiệp từ Việt Nam, Hong Kong, Nhật Bản và Malaysia trình diễn sản phẩm tại chương trình Tech in Asia 2016 ở Singapore vào tháng 4 vừa qua. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dự án AntBuddy từ Đà Nẵng được chọn là một trong 4 dự án khởi nghiệp từ Việt Nam, Hong Kong, Nhật Bản và Malaysia trình diễn sản phẩm tại chương trình Tech in Asia 2016 ở Singapore vào tháng 4 vừa qua. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bắt đầu sôi động từ những năm 2009-2010, Singapore hiện là một trong những môi trường khởi nghiệp lý tưởng nhất của châu Á với hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp 2015 của Compass xếp Singapore là một trong 10 hệ sinh thái tốt nhất trên thế giới, đặc biệt về quỹ đầu tư, tính năng động và tính quốc tế cao.

Anh Sơn cho biết, trong những năm đầu, chính quyền Singapore là một trong những nhân tố chính giúp khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Có hơn 10 cơ quan cấp quốc gia chuyên hỗ trợ khởi nghiệp như A*STAR (tổ chức thúc đẩy nghiên cứu khoa học đổi mới), ACE (cộng đồng khối nhà nước và tư nhân chuyên ươm mầm và nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp), NRF (quỹ tài trợ nghiên cứu quốc gia)…

Chính quyền Singapore còn có nhiều biện pháp hỗ trợ vốn khởi nghiệp như giảm thuế cho nhà đầu tư thiên thần, quỹ dành cho doanh nghiệp mới hình thành, chương trình ươm tạo công nghệ… Đặc biệt, tháng 11-2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát động chương trình biến quốc đảo này thành một quốc gia thông minh, sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. “Hiểu đơn giản, người dân Singapore sẽ có xe tự lái, người già nếu gặp vấn đề sức khỏe thì sẽ có báo động đến con cháu và bệnh viện…”, anh Sơn cho biết.

Xây dựng co-working space

Đà Nẵng đang trong năm đầu tiên của chương trình xây dựng “Thành phố thông minh” giai đoạn 2016-2020 với việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính, giáo dục, y tế. Theo anh Sơn, điều này dẫn đến sự xuất hiện những nhu cầu mới, mở ra những cơ hội lớn cho khởi nghiệp địa phương.

Hơn nữa, trong năm 2015 và 2016, thành phố đã có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy khởi nghiệp, nổi bật là chiến lược phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, quỹ khởi nghiệp từ Vườn ươm doanh nghiệp, sự phát triển của các câu lạc bộ khởi nghiệp ở nhiều trường đại học…

Đầu tháng 10-2016, lần đầu tiên Đà Nẵng xây dựng không gian làm việc chung cho các nhóm khởi nghiệp (co-working space). Theo anh Sơn, đây là điều rất cần thiết bởi “những người khởi nghiệp phải có được một cộng đồng riêng của mình để học hỏi từ nhau, mở rộng quan hệ, tìm kiếm nhân lực…”.

Bài học từ người đi trước

Sau hơn 5 năm đón nhận làn sóng khởi nghiệp, anh Jonathan Chua, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Grdient (doanh nghiệp khởi nghiệp mảng giáo dục tại Singapore) cho biết, quốc đảo này đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực. Dự báo đến năm 2020, Singapore sẽ thiếu khoảng 30.000 nhân lực công nghệ thông tin.

“Singapore là nơi nhiều người bắt đầu, nhưng không nhiều người ở lại”, anh Jonathan cho biết. Một lý do chính là bởi Singapore có diện tích và dân số nhỏ. Nếu một nhóm khởi nghiệp muốn thử nghiệm sản phẩm của mình để lấy phản ứng thị trường thì sẽ gặp khó vì thị trường không đủ lớn.

Chị Hà Thanh An, sáng lập viên dự án khởi nghiệp AntBuddy cho hay, Đà Nẵng cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. “Chúng tôi phải đưa sản phẩm vào thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến khách hàng. Phải thừa nhận rằng, thị trường ở đó lớn và nhộn nhịp hơn Đà Nẵng”, chị An nói.

Anh Jonathan cho biết thêm, nhiều nhà khởi nghiệp giỏi tại Singapore sau một thời gian sẽ chuyển doanh nghiệp của mình sang Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng nền khởi nghiệp trong nước thiếu tính đột phá, các dự án chỉ quanh quẩn ở những mảng quen thuộc như mua bán, du lịch, ăn uống… Do vậy, các nhà khởi nghiệp Singapore có xu hướng chuyển sang tìm kiếm nhân tài từ các nước khác. Bên cạnh đó, chính quyền nước này cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin (dự án có giá trị lên đến 90 triệu USD), xây dựng chương trình iPrep nhằm huấn luyện kỹ năng làm việc cho sinh viên tại các trường đại học…

Theo anh Lê Thanh Sơn, Đà Nẵng nên có những biện pháp “phòng tránh” tình trạng “chảy máu” nhân lực, thay vì đợi đến lúc “sự đã rồi” mới phải “chữa cháy” tốn kém. “Khởi nghiệp có tính cộng đồng rất cao, vì vậy nên tạo ra một cộng đồng tốt - bao gồm các doanh nhân, trường đại học, những bạn trẻ khởi nghiệp ngay từ ban đầu”, anh Sơn nói.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nên có những chính sách “giữ chân” người tài phù hợp với điều kiện của thành phố. Theo đánh giá của một nhà khởi nghiệp Việt Nam tại Singapore, nếu có chính sách đúng đắn ngay từ đầu thì dần dần hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tự phát triển theo kiểu người trước nâng đỡ người sau. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho chính quyền, đồng thời cũng là cách một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.