Kinh tế

Sửa đổi Thông tư 36: Khách hàng vay vốn khó hơn?

08:14, 21/11/2016 (GMT+7)

Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27-5-2016 (TT06) của Ngân hàng Nhà nước về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng có hiệu lực từ 1-7-2016. Các ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ lệ cho vay ngành bất động sản (BĐS) cao, nhất là cho vay trung, dài hạn đã và đang tìm lộ trình để điều chỉnh dư nợ về đúng quy định của TT06. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, khách hàng tỏ ra lo lắng.

Nhiều dự án bất động sản ra đời nhưng khách hàng vay vốn mua nhà ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi Thông tư 06. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Nam Hòa Xuân.
Nhiều dự án bất động sản ra đời nhưng khách hàng vay vốn mua nhà ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi Thông tư 06. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Nam Hòa Xuân.

Ít nhiều ảnh hưởng

Theo TT06, có 2 vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay kinh doanh BĐS, đó là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 60% năm 2016 xuống còn 50% năm 2017 và 40% từ năm 2018; thứ hai là các khoản cho vay kinh doanh BĐS sẽ được xếp vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% từ năm 2017. Đến thời điểm này, hoạt động cho vay trung, dài hạn và nhất là cho vay kinh doanh BĐS tại các NHTM bắt đầu được “siết chặt” theo hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng tốt, khách hàng có tiềm lực để đầu tư thay vì mở rộng cho vay như trước đây. Các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính và năng lực kinh doanh từ mức trung bình trở xuống sẽ khó tiếp cận vốn vay trung, dài hạn và vay kinh doanh BĐS.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ địa ốc First Real, Chi nhánh phía Nam cho rằng, đa số khách hàng mua BĐS để ở chủ yếu vẫn vay vốn ngân hàng là chính nên khi siết vay BĐS ít nhiều khách hàng sẽ chịu ảnh hưởng. Theo các chuyên gia BĐS, thực hiện TT06 của NHNN, hoạt động cho vay BĐS dần “siết” lại, đồng nghĩa với việc lãi suất cũng sẽ cao hơn, ít nhiều ảnh hưởng đến khách hàng.

Nhiều nhà đầu tư BĐS nhìn nhận, việc sửa đổi TT36 chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường BĐS có giá trị trung bình và thấp, nhất là những khách hàng mua BĐS dưới 1 tỷ đồng, còn những nhà đầu tư lớn không ảnh hưởng nhiều. “Song việc tăng hệ số rủi ro của BĐS buộc các ngân hàng kỹ hơn trong việc thẩm định hồ sơ, duyệt hồ sơ chọn lọc hơn, lãi suất cũng nhích cao hơn khiến người mua sẽ khó khăn hơn”, ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Nhất Nam Land cho biết thêm.

Cơ hội tiếp cận vốn vay vẫn rộng mở

Theo các NHTM, tại Đà Nẵng, thời gian qua, thị trường BĐS phát triển khá nóng, tỷ lệ cho vay đầu tư vào lĩnh vực này tại các NHTM trên địa bàn tăng nhanh; nhất là giá BĐS ven biển đã thiết lập mặt bằng khá cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu thị trường cứ tiếp tục phát triển nóng. Vì vậy, việc điều chỉnh hoạt động cho vay lĩnh vực BĐS theo hướng thận trọng hơn, an toàn hơn là cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của hệ thống NHTM duy trì tính cân bằng, phân bổ nguồn lực đồng đều cho các ngành kinh tế khác và đặc biệt là bảo đảm an toàn vốn cho cả các chủ đầu tư kinh doanh BĐS.

Vietcombank đang dành nguồn vốn đầu tư đối với các dự án BĐS lớn, chủ đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm, vị trí dự án thuận lợi... Có thể thấy, cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn đang rất rộng mở với các nhà đầu tư có năng lực thực sự và các dự án có tiềm năng phát triển tốt.

Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, việc NHNN ban hành TT06 điều chỉnh trực tiếp hoạt động cho vay BĐS, cho vay trung, dài hạn là bước đi hợp lý ở chỗ từng bước chuẩn hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng an toàn tiệm cận với các tỷ lệ an toàn vốn của quốc tế. Thứ hai là điều tiết hoạt động của thị trường BĐS theo hướng tăng trưởng ổn định, bền vững thay vì phát triển nóng và thiếu an toàn như đã từng xảy ra. Vì vậy, việc đưa ra quyết định điều chỉnh theo lộ trình từ 2016-2018 cũng là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD có thời gian điều chỉnh hoạt động cho vay của mình về mức tỷ lệ an toàn cho phép.

Được biết, hiện các NHTM tập trung cơ cấu lại nguồn vốn, hạn chế cho vay trung, dài hạn và cho vay BĐS. Việc NHNN ban hành TT06 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng trong ngắn hạn đối với thị trường. Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, việc sửa đổi TT36 nhằm mục đích quản lý tín dụng tốt hơn, tránh đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro. TT06 chỉ hạn chế với những khách hàng đầu cơ, tích trữ BĐS, thao túng thị trường, còn với các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà ở, mua BĐS chính đáng vẫn có rất nhiều kênh hỗ trợ như các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở của các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội…

Bài và ảnh: Thanh Tình

.