.

Tỷ giá linh hoạt

.

Sau những tháng ngày tương đối yên tĩnh, chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây, tỷ giá VNĐ/USD đã phát sinh nhiều biến động mạnh, khó lường. Mức phá giá tiền Việt trong một thời gian ngắn đã lên đến 2%.

Trên thị trường chính thống, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại chính thức vượt qua cột mốc 22.800 đồng, trong khi thị trường tự do đã chạm ngưỡng 23.000 đồng/USD. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ trên thị trường quốc tế, USD của nước Mỹ đang mạnh lên chưa từng thấy kể từ 10 năm trở lại đây, kéo theo nhiều đồng tiền chủ chốt khác cũng chao đảo theo. Riêng đồng Nhân dân tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, mức phá giá đã gần 7%, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền vô cùng lớn không chỉ với các nước lân cận mà cả phạm vi toàn cầu.

Biến động tỷ giá, nói nôm na, vài tuần đã bằng lũy kế cả năm. Tuy có mạnh nhưng không hề bất ngờ. Có thể kết luận như vậy nếu so sánh những năm trước đây, khi cơ chế quản lý còn đi theo mô hình “neo” để kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất vất vả khi muốn kiềm chế “con ngựa bất kham” tỷ giá đi theo định hướng của mình.

Biện pháp này vừa không dung hợp với quy luật thị trường, vừa làm tiêu tốn nguồn lực ngoại tệ dự trữ vốn dĩ còn quá mỏng của quốc gia, rất dễ gây mất lòng tin, thậm chí mất uy tín, thể diện nhà điều hành chính sách đối với thị trường. Hệ thống ngân hàng thương mại đáng lẽ ra phải là lực lượng kinh tế chủ yếu chi phối thị trường tỷ giá, nhưng kỳ lạ thay, nhiều lúc, nhiều nơi, lại trở thành “con tin”, bị lèo lái bởi thế lực thị trường tự do, tự phát, đầu cơ?

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, khi vận hành theo mô hình quản lý mới, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá của một số đồng tiền chủ chốt có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Giải pháp này đã cơ bản hóa giải phần lớn những khiếm khuyết của cơ chế quản lý cũ. Điều quan trọng nhất là khôi phục sự tự tin, mang lại sức mạnh mới, đánh thức được tiềm năng, khơi dậy tính linh hoạt của toàn bộ nền kinh tế. Không chỉ NHNN với tư cách là người chủ trì vĩ mô, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp gần như đã hoàn toàn chủ động trước các diễn biến của tỷ giá thị trường trong và ngoài nước. Hay nói khác đi, câu chuyện chấp nhận chung sống với biến động tỷ giá, dù yên tĩnh hay sốt thất thường, đã trở thành phản ứng tự nhiên, bình thản.

Tỷ giá linh hoạt, một lần nữa chứng minh nỗ lực và thành công bước đầu của nền kinh tế nước ta trong công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này không chỉ phản ánh trình độ thích nghi với thời cuộc mà còn là vũ khí hữu hiệu để nâng cao năng lực công - thủ toàn diện trước những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.

Chính vì vậy, cần nhìn nhận những diễn biến thị trường tỷ giá vừa qua như là một cơ hội tốt để “thử lửa” tính hiệu quả thực sự của cơ chế điều hành mới, từ đó có định hướng chỉnh sửa bổ sung và hoàn thiện chính sách.

Điều quan trọng nhất là không để đánh mất lòng tin vào những thành quả ban đầu đã gặt hái được, và không bao giờ quên rằng tỷ giá tốt hay xấu hầu như không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của người điều hành, của tôi hay của bạn, mà phải dựa trên nội lực, sức mạnh tổng thể, chiến lược tái cơ cấu bền vững, có hiệu quả nền tảng kinh tế, từ cấp vĩ mô đến tận vi mô.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.