Kinh tế

Chống buôn lậu dịp cuối năm

09:04, 05/12/2016 (GMT+7)

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm “nóng” để các đối tượng buôn lậu tuồn hàng về địa phương. Để giữ vững ổn định thị trường, các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 thành phố Đà Nẵng đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn ngừa.

Hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường sắt luôn nhộn nhịp dịp Tết, đây là cơ hội để hàng lậu trà trộn.
Hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường sắt luôn nhộn nhịp dịp Tết, đây là cơ hội để hàng lậu trà trộn.

Không để lọt tuyến nào

Theo BCĐ 389/TP, hoạt động buôn lậu hiện diễn ra trên nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không... Các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào để qua mặt lực lượng chức năng. Do đó, công tác triệt phá hành vi này luôn đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố nhận định: “Quá trình hội nhập kinh tế đang mở ra cơ hội cho hàng hóa của các nước vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng buôn lậu đã lợi dụng, gây nên tình hình phức tạp. Số vụ vi phạm năm sau tăng hơn năm trước. Cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc triệt phá bởi thủ đoạn buôn lậu tinh vi. Tuyến đường bộ ngày càng khó bắt vì hàng hóa bị chia lẻ, các đối tượng mang hàng chủ động nắm tình hình, cho người đi tiền trạm, canh lực lượng kiểm tra sơ hở mới vượt tuyến”.

Đại diện Công an thành phố cũng cho rằng, nhiều vụ việc lưu chuyển hàng hóa ban đầu không có hóa đơn, nhưng sau đó các doanh nghiệp, chủ hàng tìm cách hợp thức hóa giấy tờ buộc cơ quan chức năng phải giải quyết. Đơn cử như vụ kiểm tra hàng chục tấn hàng trên đoàn tàu SE2 tại ga Đà Nẵng hồi đầu tháng 11, sau khi đấu tranh làm rõ 61 kiện hàng thì có tới gần 50 chủ hàng khác nhau. Trong khi đó, hàng chỉ đi qua địa bàn trung chuyển nên rất khó chứng minh nguồn gốc hàng. Trước đó, nhiều vụ trung chuyển, tập kết hàng hóa từ các địa phương khác về Đà Nẵng cũng theo kiểu “hàng đi trước, giấy tờ đi sau”.

Không chỉ hoạt động mạnh trên tuyến đường bộ, đường sắt, tuyến đường biển nổi lên một số vụ gian lận trong khai báo hàng hóa. Cụ thể, trong tháng 7 và 8, Hải quan Đà Nẵng phát hiện hai doanh nghiệp tại Đà Nẵng và Bình Định, xuất hàng đá thủ công mỹ nghệ nhưng thực chất lô hàng bên trong là gỗ, khai vải vụn nhưng bên trong là đồng. Trên tuyến hàng không, Hải quan sân bay Đà Nẵng cũng phát hiện hành khách mang theo ngoại tệ, hoặc hàng biếu tặng nhưng thực chất là thuốc an thần, thuốc gây nghiện... “Thủ tục hải quan điện tử hiện nay thông thoáng nhiều; vì vậy, một số doanh nghiệp đã lợi dụng để buôn lậu và gian lận thương mại trong kê khai hàng hóa”, đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng nhìn nhận.

Tập trung kiểm soát đường biển và đường hàng không

Ông Nguyễn Hương, Cục phó Cục Hải quan Đà Nẵng đánh giá: “Cuối năm, sức mua các loại hàng hóa bao giờ cũng tăng cao nên để ngăn chặn buôn lậu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Xác định hai tuyến đường chính cần tập trung kiểm soát gồm đường biển và đường hàng không, Cục đã giao cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Đà Nẵng và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng theo sát mọi diễn biến hằng ngày. Đối với những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, việc kiểm soát được chú trọng    hơn bởi nếu để lọt vào địa bàn mình thì rất nguy hiểm”.

Thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử... là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Do đó, hàng lậu có điều kiện để nhập về các thị trường lớn như Đà Nẵng. Đại tá Võ Văn Lanh, Phó phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm và quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an thành phố cho biết: “Tình hình buôn lậu trên địa bàn Đà Nẵng so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không lớn nhưng đây là địa bàn trung chuyển khá phức tạp. Sắp tới, chúng tôi sẽ dốc toàn bộ lực lượng để đấu tranh chống buôn lậu dịp cuối năm”.

Bên cạnh việc chủ động của từng ngành, để nâng cao ​hiệu quả chống buôn lậu, các thành viên trong BCĐ 389/TP sẽ phối hợp vào các đợt cao điểm, qua đó mục tiêu tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm buôn lậu từ biên giới đến các tuyến trọng điểm, từng ngõ ngách của địa bàn. Sự phối hợp trong công tác chống buôn lậu sẽ mang tính đồng bộ hơn với sự tham gia của các lực lượng quản lý thị trường, công an, kiểm lâm, biên phòng, hải quan, khoa học công nghệ, y tế...

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 8.800 vụ, xử phạt gần 7.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu xử phạt và bán hàng trên 19,7 tỷ đồng; trong đó, hàng cấm: 18 vụ, phạt 318 triệu đồng; hàng nhập lậu: 71 vụ, xử phạt trên 272 triệu đồng; gian lận thương mại  960 vụ, xử phạt trên  981 triệu đồng; hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: 171 vụ, xử phạt gần 909 triệu đồng; vi phạm trong kinh doanh: 5.769 vụ, xử phạt trên 16 tỷ đồng.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.