Kinh tế
Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng
(Tiếp theo và hết)
Một trong những điểm nhấn của thành phố là đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được tập trung đầu tư phát triển, góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành công cụ hỗ trợ tích cực các dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, cơ sở hạ tầng CNTT trên toàn thành phố được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm 100% đơn vị, đặc biệt là UBND xã, phường có mạng LAN và kết nối Internet sử dụng đường truyền tốc độ cao.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai xây dựng mạng đô thị (MAN) tốc độ cao, băng thông rộng, thực hiện kết nối đến 93 cơ quan Nhà nước, từ UBND thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, các đơn vị sự nghiệp với tổng chiều dài cáp quang đi ngầm khoảng 300km và băng thông từ 1Gbps lên đến 20Gbps;
đã triển khai xây dựng, hoàn thành lắp đặt và vận hành 430 điểm thu phát sóng hệ thống mạng không dây (wifi) công cộng, phục vụ truy cập Internet miễn phí cho người dân, doanh nghiệp, du khách; đã xây dựng trung tâm dữ liệu trên công nghệ ảo hóa đạt chuẩn Tier II - Tier III, dung lượng trên 100TB.
Từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT). Hiện tại, thành phố đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng góp phần cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc về dịch vụ hành chính công cho các tổ chức, cá nhân.
Trên địa bàn có hai khu CNTT đang hoạt động là Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng và Tòa nhà FPT. Khu đô thị công nghệ FPT đã đầu tư hoàn thành một phần và đưa vào sử dụng khu phức hợp văn phòng với sức chứa hiện tại 3.500/10.000 người, giải quyết phần lớn lao động chất lượng cao. Đang triển khai xây dựng hạ tầng Khu CNTT tập trung số 1 - giai đoạn 1 với diện tích 131/341,54ha.
Trong những năm qua, hạ tầng sản xuất công nghiệp được quan tâm đầu tư với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung.
Đến nay, đã đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 6 khu công nghiệp gồm: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Đà Nẵng, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.066,52ha và cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng diện tích 29,6ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 86,39%, riêng khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản và khu công nghiệp Đà Nẵng đạt 100%.
Một số doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Nhà máy Sản xuất ô-tô TCIE công suất 11.900 xe/năm; Nhà máy Sản xuất lốp xe tải Radial công suất 780.000 sản phẩm/năm (riêng lốp xe); Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Đà Nẵng sản xuất bia công suất 330 triệu lít/năm; Nhà máy Sữa Vinamilk công suất gần 200 triệu lít/năm và 795 triệu sản phẩm/năm....
Thành phố đang tập trung triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao với diện tích 1.129ha, tổng vốn đầu tư 8.841 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư 3.143 tỷ đồng.
Công trình đã được triển khai từ đầu năm 2011 đến nay, ngân sách Trung ương lũy kế đã bố trí đến năm 2016 là 1.028,426 tỷ đồng, hiện khẩn trương hoàn thành giải tỏa đền bù, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, san nền và hệ thống giao thông giai đoạn 1 để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư đã tham gia và kêu gọi các nhà đầu tư mới.
Riêng về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được đầu tư cải thiện, 100% hộ dân đã được sử dụng điện, 100% xã đã có đường ô-tô đến trung tâm và bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, kiệt hẻm.
Những năm qua, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các hộ dân vùng sâu vùng xa, các xã miền núi trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Đến nay, đã đầu tư được khoảng 140km tuyến ống cấp nước các loại, cấp nước sạch cho hơn 10.000 hộ dân. Đang tập trung đầu tư sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt cho các xã miền núi huyện Hòa Vang.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về biển theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW về thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thành phố đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng thành trung tâm thủy sản của khu vực miền Trung.
Đến nay, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang... đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần phát triển nghề cá hiện đại, tập trung phát triển khai thác xa bờ, gắn khai thác với chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Trong những năm qua, thành phố cũng đã ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa, thể dục và thể thao, xây dựng nhiều công trình văn hóa, thiết chế văn hóa trọng điểm, ngang tầm với vị thế của thành phố, các công trình văn hóa lớn như: Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp... ngày càng được khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giải trí và thụ hưởng văn hóa của người dân.
Thành phố cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình văn hóa lớn như: Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Cung Văn hóa thiếu nhi với kinh phí 249,85 tỷ đồng; lập dự án để kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án Nhà hát lớn, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Đáng chú ý, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn thành phố được quy hoạch, sắp xếp hợp lý theo hướng đa dạng hóa và xã hội hóa, phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn. Các chỉ tiêu về phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, về phổ cập giáo dục... đều đạt và vượt kế hoạch.
Năm học 2015-2016, toàn thành phố có 173/363 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó: mầm non 46/178 trường, tiểu học 71/100 trường, THCS 26/59 trường, THPT 5/26 trường.
Mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến thành phố đến các trung tâm y tế quận, huyện, xã, phường ngày càng hoàn thiện. Đến nay, 100% phường, xã có trạm y tế; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, y tá, điều dưỡng; 100% xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Thành phố tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại, phát triển y tế chuyên sâu, bệnh viện chuyên khoa, cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, kỹ thuật cao và phát triển hệ thống y tế ngoài công lập với 7 bệnh viện ngoài công lập và đang triển khai xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec do tập đoàn Vingroup đầu tư.
Đặc biệt, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Ung thư (nay là Bệnh viện Ung bướu) với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa Hòa Vang và Bệnh viện đa khoa Hải Châu; nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Khu hồi sức cấp cứu và các khoa tại Bệnh viện Đà Nẵng… Đến cuối năm 2015, thành phố đạt 66,15 giường bệnh/10.000 dân.
Sự đầu tư mạnh mẽ, có trọng tâm trọng điểm đó đã góp phần quan trọng vào hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng đột phá, hoàn thiện một vóc dáng đô thị hiện đại cho Đà Nẵng.
PHƯƠNG UYÊN