.

Đầu tư khai thác thủy sản xa bờ

.

Chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tàu thuyền theo hướng hiện đại, khai thác xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo là định hướng phát triển ngành thủy sản của quận Thanh Khê trong thời gian gần đây.

10 năm trở lại đây, ngư dân quận Thanh Khê đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu lớn vươn khơi hiệu quả.
10 năm trở lại đây, ngư dân quận Thanh Khê đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu lớn vươn khơi hiệu quả.

Trước năm 2006, quận Thanh Khê có trên 200 tàu khai thác hải sản và hàng trăm tàu có công suất nhỏ, thuyền thúng máy, trong đó nghề chủ đạo là câu mực và giã cào. Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, cơn bão Chanchu đã để lại hậu quả nặng nề cho ngư dân địa phương với 10 tàu bị chìm, 20 tàu hư hỏng nặng, hơn 40 ngư dân chết và mất tích trên biển khiến ngư dân lo ngại. Không ít người đã bỏ nghề, bỏ biển. Để vực dậy nghề biển, quận Thanh Khê chú trọng chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền theo hướng hiện đại, vươn khơi xa.

Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, 10 năm trở lại đây, quận đã vận động ngư dân tiến hành cải hoán, đầu tư đóng mới tàu lớn để vươn khơi. Vì vậy, dù lượng tàu giảm nhưng công suất tàu đã tăng rất nhiều. Tính đến nay, quận có gần 110 tàu cá công suất lớn, bình quân mỗi chiếc đạt công suất 324CV, trong đó có 49 chiếc từ 400CV đến hơn 1.300CV làm các nghề lưới vây, lưới cản, lưới rê 3 lớp…, tập trung chủ yếu ở các phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông.

Ông Trương Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà cho biết, so với 10 năm trước, ngành thủy sản của phường có chiều hướng giảm mạnh về số lượng tàu. Bù lại, ngư dân đóng tàu có công suất lớn để vươn khơi, vừa chống chịu được sóng lớn, khai thác hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. “Đến nay, toàn phường có 41 tàu, trong đó có 25 tàu khai thác xa bờ. Tất cả các tàu đều làm ăn hiệu quả, ngư dân tích cực bảo vệ chủ quyền”, ông Trương Văn Hùng chia sẻ.

Lão ngư Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà) là một trong những người đã mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu lớn để vươn khơi. Ông Chiến chia sẻ: “Sau bão Chanchu, những người yêu biển đã thay đổi nếp nghĩ và đầu tư đóng mới. Tôi mạnh dạn đầu tư con tàu có công suất 500CV vươn khơi ở ngư trường Hoàng Sa, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và cứu hộ, cứu nạn”.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết thêm, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, Nghị định 48 của Chính phủ về hỗ trợ xăng dầu và đặc biệt là Quyết định 7068/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố (nay là Quyết định 47) về việc hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ là “điểm tựa” lớn để ngư dân vươn khơi. Từ khi có Quyết định 7068 của UBND thành phố đến nay, toàn quận đã có 15 dự án được đóng mới có công suất từ 800 - 1.300CV, trong đó có ngư dân đầu tư đến hai tàu lớn để vươn khơi tại ngư trường Hoàng Sa.    

Trong số những người đóng mới tàu theo chính sách của thành phố, anh Thái Vĩnh Ngộ (SN 1982, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đóng tàu lớn nhất, công suất 1.370CV, kinh phí 8 tỷ đồng. Tàu có hai công năng chính: dịch vụ hậu cần và đánh bắt. Anh Ngộ cho biết, suốt nhiều năm qua, anh đã liên kết với nhiều tàu cá của khu vực miền Trung để thu mua hải sản. Biết vận dụng công nghệ cấp đông nên sản phẩm đạt chất lượng cao, bảo đảm xuất khẩu thường xuyên tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Phi. “Làm biển hiện nay phải đầu tư và chú trọng chất lượng, đặc biệt phải biết bảo vệ nguồn lợi hải sản”, anh Ngộ phân tích.

10 năm, với định hướng cho ngư dân đầu tư đúng, ngành thủy sản quận Thanh Khê đã có những bước tiến vững chắc, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương. Trong những năm tới, với việc xóa tàu nhỏ dưới 20CV và thuyền thúng theo chủ trương của thành phố, quận Thanh Khê tiếp tục vận động ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu lớn để vươn khơi xa, mang lại nguồn lợi về kinh tế, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.