Số giờ làm thêm tối đa có thể được tăng lên tới 600 giờ, theo đề xuất của Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động.
Nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa. - Ảnh: SGGP |
Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vòng làm thêm để tăng thêm thu nhập; tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Hiện trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thái Lan 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines không khống chế.
Có ý kiến đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa theo hướng quy định 1 ngày làm việc thì người lao động làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/ngày và không được phép huy động người lao động làm thêm giờ liên tục quá 5 ngày làm việc cho mỗi đợt làm thêm giờ. Do vậy, dự thảo hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 106 để xin ý kiến.
Cụ thể, phương án 1 là: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm.
Phương án quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Liên quan tới vấn đề lao động, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra hôm 5/12, nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn cho rằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu 7,3% gần đây là rất hợp lý. Tuy nhiên, chuẩn giờ làm thêm tại Việt Nam vẫn nghiêm ngặt hơn bất kỳ nước nào trong khu vực.
Nhóm công tác so sánh, hiện Việt Nam khống chế giờ làm thêm tối đa là 200 mỗi năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1.872), Hàn Quốc (1.456), Maylaysia (1.248), Singapore (864), Indonesia (728) và Lào (540).
Đây cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tại Diễn đàn. Theo ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, số giờ làm thêm hiện nay không xem xét một số yếu tố như thời kỳ cao điểm và thấp điểm của từng doanh nghiệp. Hiệp hội khuyến nghị áp dụng linh hoạt quy định giới hạn làm thêm giờ không quá 30 giờ một tháng. Vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có thể tăng thời gian làm thêm giờ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất và ngược lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của Diễn đàn để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận, trước hết là sửa thể chế, chấn chỉnh một số việc bất cập, tồn tại kéo dài. Tinh thần là luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường.
Theo Chinhphu.vn