.

Nguồn thu ngành dịch vụ tăng mạnh

.

Năm 2016, hoạt động của ngành dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều khởi sắc, nguồn thu từ lĩnh vực này tăng mạnh so với năm ngoái. Trong 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt hơn 62.500 tỷ đồng, tăng 9,92% so với cùng kỳ. Trong đó, theo Cục Thống kê thành phố, lĩnh vực lưu trú tăng 10,37%; nhà hàng tăng 13,36%; du lịch tăng 51,25%; dịch vụ tăng 22,21%.

Với cơ sở hạ tầng (nhà hàng, khách sạn...) được đầu tư, xây dựng mới hàng loạt đi kèm chất lượng dịch vụ không ngừng nâng cao đã góp phần tăng nguồn thu cho ngành du lịch - dịch vụ trong năm qua.
Với cơ sở hạ tầng (nhà hàng, khách sạn...) được đầu tư, xây dựng mới hàng loạt đi kèm chất lượng dịch vụ không ngừng nâng cao đã góp phần tăng nguồn thu cho ngành du lịch - dịch vụ trong năm qua.

Với quận Sơn Trà, dịch vụ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Ước tính đến hết năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn quận đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 24,18% so với năm ngoái, so với dự toán quận giao tăng từ 13,5 - 14,5%. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Sơn Trà cho biết, ước tính đến hết năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 352 tỷ đồng, vượt 24% dự toán giao.

Năm 2016 được xem là năm thành công lớn trong công tác thu ngân sách của quận Sơn Trà. Một trong những nguyên nhân là do trong năm 2016, trên địa bàn quận Sơn Trà diễn ra nhiều lễ hội, sự kiện lớn như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5), Vũ hội đường phố hằng tháng..., thu hút đông du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ được tổ chức bài bản và hiệu quả hơn, góp phần đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. “Hiện vào mùa mưa nhưng lượng khách du lịch đến lưu trú, sử dụng dịch vụ trên địa bàn quận vẫn khá đông, cao hơn năm trước”, ông Hùng nhìn nhận.

Một số đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đạt doanh thu cao, đóng góp lớn vào ngân sách địa phương như: doanh nghiệp tư nhân Bé Mặn nộp ngân sách hơn 13 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ ăn uống Hoa Đỏ nộp hơn 14 tỷ đồng; nhà hàng Mỹ Hạnh nộp hơn 22 tỷ đồng, nhà hàng Bé Anh nộp hơn 12 tỷ đồng, khách sạn Mường Thanh nộp hơn 61 tỷ đồng, Công ty CP Bảo Phước nộp hơn 74 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân khách sạn Sông Công Đà Nẵng nộp hơn 10 tỷ đồng...

Đối với quận Hải Châu, địa bàn có số nhà hàng, khách sạn, khu trung tâm thương mại cũng như các chợ lớn nhất, nguồn thu từ dịch vụ  tăng mạnh so với năm 2015. Số liệu từ Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hải Châu cho biết, ước tổng thu ngân sách trên địa bàn quận năm 2016 đạt gần 886 tỷ đồng, tăng 21,87% dự toán thành phố giao.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đến cuối năm 2016 đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015. Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, hoạt động của các ngành dịch vụ, trong năm có mức tăng trưởng khá hơn năm 2015, đóng góp lớn vào ngân sách địa phương.

Năm 2016 là năm đầu tiên quận Thanh Khê triển khai thực hiện đề án “Phát triển dịch vụ quận Thanh Khê giai đoạn 2016-2020”. Bước đầu đã có những kết quả tích cực trong việc hình thành và đưa vào hoạt động một số tuyến phố chuyên doanh như: tuyến phố nhà hàng, cơm niêu phục vụ du lịch đường Nguyễn Tri Phương, tuyến phố chuyên doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm đường Nguyễn Đình Tựu, nâng cấp một số chợ loại 3, xây dựng mới chợ hải sản..., góp phần nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm mới cho ngành dịch vụ trên địa bàn quận.

Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế, quận Thanh Khê cho biết, giai đoạn năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ quận đạt 8,77%; tổng mức luân chuyển hàng hóa, dịch vụ bán ra hằng năm khoảng 18.000 tỷ đồng.

Trong cơ cấu kinh tế của quận, cơ cấu ngành dịch vụ đang chuyển dịch tích cực, đúng hướng theo chiều tăng từ 54,7% năm 2010 lên 60,49% năm 2015. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm 2016 của Cục Thống kê thành phố cho thấy, doanh thu ngành ăn uống trên toàn thành phố trong 11 tháng qua đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Doanh thu từ ngành lữ hành và lưu trú ước đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 18,18% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động lưu trú đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 10,37% so với 11 tháng đầu năm 2015; hoạt động du lịch lữ hành đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 51,25% so với cùng kỳ.

Dự báo năm 2017 với nhiều sự kiện lớn sẽ diễn ra như Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế... sẽ góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển hơn nữa, qua đó đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.