Kinh tế

Quảng bá du lịch qua tiếp thị điện tử

07:53, 28/12/2016 (GMT+7)

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đang được xem là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch của Đà Nẵng. Bên cạnh những chuyến khảo sát thực tế, tham gia giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ..., tiếp thị điện tử (e-marketing) đang là công cụ hữu hiệu để kết nối tương tác giữa những người cung cấp dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế.

Tiếp thị điện tử (e-marketing) đang là xu hướng phát triển chung của ngành du lịch mang lại nhiều tiện ích cho du khách. Trong ảnh: Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trên trang web tại Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016.
Tiếp thị điện tử (e-marketing) đang là xu hướng phát triển chung của ngành du lịch mang lại nhiều tiện ích cho du khách. Trong ảnh: Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trên trang web tại Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016.

Thực tế tại Đà Nẵng, đa số doanh nghiệp khai thác lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng đều nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của khách, xây dựng những trang thông tin riêng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Theo đánh giá của ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà, đây là hình thức tiếp thị và tiếp cận sản phẩm du lịch hiệu quả, lại ít tốn chi phí nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch. Việc các doanh nghiệp sử dụng e-marketing là xu hướng tất yếu hiện nay để kinh doanh thành công bởi du khách thường lựa chọn các ngôn ngữ, các kênh phổ biến và tin cậy để tìm hiểu về vùng đất, khách sạn, điểm tham quan, mua sắm… trước khi họ đến.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho rằng, giới trẻ có xu hướng sử dụng công nghệ thông tin, các trang mạng, đặc biệt là thiết bị di động thông minh nhiều hơn và thành thạo hơn người lớn tuổi. Vì vậy, e-marketing cần nhắm tới giới trẻ, sản phẩm du lịch cũng phải dành nhiều hơn cho giới trẻ, như trải nghiệm, khám phá, khẳng định cá tính...

Giải pháp chính là phải xây dựng một ứng dụng có tính tương tác cao giữa điểm đến, sản phẩm và khách du lịch, thông tin phải đầy đủ và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ về nền tảng công nghệ của cả điểm đến lẫn doanh nghiệp để du khách thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin, xây dựng lịch trình và thanh toán ngay trên mạng.

Tận dụng lợi thế của e-marketing, chị Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, bên cạnh ứng dụng Danang FantasticCity mới ra mắt hồi đầu tháng 12-2016 giúp du khách dễ dàng biết thông tin về tour du lịch tại Đà Nẵng, các sự kiện du lịch đang diễn ra, các điểm tham quan của thành phố…, thành phố còn triển khai quảng bá trên các trang mạng xã hội, Cổng thông tin du lịch thành phố, E-newletters (bản tin qua thư điện tử), bản tin du lịch...

Thời gian qua, Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (tourism.danang.vn) đã thay đổi giao diện bắt mắt và thân thiện hơn với người truy cập. Bên cạnh những tính năng cơ bản, một số tính năng mới đã được tích hợp để cung cấp tiện ích cho người sử dụng như tính năng facebook live (phát hình trực tiếp qua facebook trên máy tính) để kết nối và hỏi đáp thông tin về du lịch Đà Nẵng và được hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ du khách một cách nhanh nhất; kết nối với các trang mạng xã hội của du lịch Đà Nẵng như fanpage, instagram, YouTube… tạo thành chuỗi liên kết trên mạng xã hội.

Chị Hoài An cũng cho biết thêm, theo Google analytics (công cụ phân tích trang web của Google), hiện Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng đứng đầu về các từ khóa quan trọng được tìm kiếm trên Google như “du lịch Đà Nẵng”, “danang tourism”, “du lich danang”…

Trung bình mỗi tháng Cổng thông tin có khoảng 18.000 - 20.000 lượt truy cập; tính đến tháng 11-2016, các quốc gia có lượt truy cập nhiều nhất hằng tháng là Việt Nam, Singapore, Mỹ, Nhật Bản… Nguồn truy cập trực tiếp qua Cổng thông tin là 16,89%; giới thiệu từ các trang liên kết: 10,95%; từ mạng xã hội (facebook, instagram...): 16,6%. Trong năm tới sẽ mở rộng sang một số ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm để du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, dự án “Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ (Dự án EU-ESRT) đã hỗ trợ 3 địa phương (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng) trong việc hình thành và quản lý điểm đến vùng, tăng cường đối thoại công tư, xây dựng sản phẩm chung, tăng cường quảng bá và thúc đẩy đào tạo nhân lực.

EU đã hỗ trợ 3 địa phương hình thành và phát triển bộ nhận diện thương hiệu chung, trong đó xây dựng một trang web chung để quảng bá du lịch 3 đia phương. Hiện trang web này được giao cho Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng quản lý, nâng cấp và cập nhật thông tin. Sắp tới, 3 địa phương sẽ hình thành tổ truyền thông trực tuyến, xây dựng fanpage chung để quảng bá, tạo tiện ích cho du khách…

Dù đã ý thức vai trò cũng như tầm quan trọng của e-marketing nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng rõ việc sử dụng như thế nào cho hiệu quả, để có sự tương tác cao giữa doanh nghiệp và nhu cầu của khách. Theo ông Đinh Văn Lộc, các doanh nghiệp đang cần sự trợ giúp đào tạo nhân sự thành thạo lĩnh vực này. “Thành phố nên mở các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử miễn phí và giảng viên phải là những người giỏi về lĩnh vực này”, ông Lộc đề xuất.

Bài và ảnh: THU HÀ

.