.

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy

.

Sở Giao thông vận tải cho biết, UBND thành phố vừa phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy đến năm 2025. Mục tiêu quy hoạch xác định 8 tuyến vận tải du lịch; chuẩn hóa đội tàu vận tải từ 20-250 khách và quy hoạch 38 vị trí đón, trả khách. Đồng thời, thực hiện hai phương thức vận tải: vận tải khách du lịch trên sông đến các điểm du lịch được áp dụng cho tất cả các tuyến vận tải thủy; vận tải du thuyền trên sông được áp dụng cho tuyến đường thủy nội địa trên sông Hàn mục đích ngắm cảnh các công trình ven sông, đặc biệt về đêm.

Theo đó, quy hoạch vận tải du lịch gồm 4 tuyến (tuyến cầu Sông Hàn - Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn- cửa biển - bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn - Hòn Chảo (đảo Ngọc), tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm) và 4 tuyến mở mới năm 2017 (tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến sông Cu Đê - Trường Định, tuyến sông Hàn - Vĩnh Điện).

Đội tàu vận tải khách du lịch được phát triển theo hướng đa dạng nhưng ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại tàu theo hướng chuyên dụng. Riêng đối với tàu khách, ưu tiên phát triển các loại tàu khách theo hướng hiện đại, an toàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Theo quy hoạch đến năm 2018, chuẩn hóa đội tàu phù hợp với các mẫu thiết kế gam tàu du lịch phổ biến trên thế giới phù hợp với điều kiện từng tuyến vận tải và yêu cầu vận chuyển. Thành phố cũng có chủ trương phát triển đội tàu chuẩn hóa theo hướng đối với các tuyến ven biển, tuyến đảo sẽ quy hoạch tàu từ 30-50 khách và lớn hơn; phân cấp tàu SB, riêng tuyến quanh bán đảo Sơn Trà sử dụng cấp tàu SI, tuyến sông Hàn- Cù Lao Chàm do quãng đường dài (50km) khuyến khích sử dụng phương tiện tàu cao tốc. Tuyến du thuyền sông Hàn sẽ sử dụng tàu từ 50-250 khách. Tuyến du lịch nội địa trên sông đến các điểm du lịch sử dụng tàu từ 20-30 khách.

Thành phố Đà Nẵng cũng quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải, đầu tư hệ thống báo hiệu, thanh thải luồng lạch. Trước mắt, đối với các tàu du thuyền trên sông Hàn, yêu cầu phải lắp đặt hệ thống định vị AIS (giám sát hành trình) nhằm thuận lợi cho công tác quản lý.

Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch sẽ quy hoạch 38 vị trí đón trả khách du lịch. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thực tế khai thác du lịch của thành phố có thể bổ sung xây dựng các bến du lịch có kết cấu phù hợp dọc trên tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, vị trí có thể ở khu vực Biển Đông resort, bãi tắm công cộng: Mỹ Khê, Sao Biển... bằng hình thức xã hội hóa, để có thể đón khách từ bãi biển ra bãi lặn san hô hoặc có thể đi các nơi khác.

Đồng thời, quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch trên các sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện (đoạn qua địa phận Đà Nẵng), sông Quá Giáng (Bàu Sấu), sông Cổ Cò.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.