Thời gian qua, tổ hợp tác trồng rau an toàn của phụ nữ các xã thuộc huyện Hòa Vang góp phần giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu nhập cho nhiều chị em. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của các chị còn nhỏ lẻ vì gặp khó trong quảng bá và tạo thương hiệu cho sản phẩm.
Mô hình rau sạch luôn được các cấp Hội theo dõi để đề xuất giải pháp hỗ trợ. Trong ảnh: Một mô hình trồng rau sạch tại xã Hòa Phong. |
Giải quyết việc làm cho phụ nữ
Xuất phát từ thực tế nhiều gia đình không có đất sản xuất, người có đất lại canh tác không hiệu quả, đầu năm 2015, Chi hội Phụ nữ thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong mạnh dạn thuê hơn 1.200ha đất nông nghiệp để thành lập “Tổ sản xuất rau an toàn” với 30 chị tham gia.
Các chị được một số tổ chức và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ giống, phân bón, máy bơm nước, bể chứa, giếng khoan, tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn…
Chị Trần Thị Nữ, thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong chia sẻ, trước đây, rau được canh tác chung với các cây trồng khác, nhất là bắp nên dễ lây sâu bệnh. Từ khi thực hiện mô hình rau an toàn, chị em tách hẳn các loại cây trồng khác để chuyên trồng rau.
Theo đó, ban đầu phải xử lý tốt khâu làm đất, dùng phân hữu cơ và bánh dầu bón lót. Rau được tưới nhiều nước, dùng phân, thuốc đúng quy định để hạn chế sâu bệnh. Các chị tuyệt đối không dùng thuốc cho rau trước thời điểm thu hoạch ít nhất 10 ngày. Vì thế, sản phẩm rau bảo đảm không còn tồn dư của thuốc.
Trong khi đó, nhìn vườn rau an toàn của phụ nữ xã Hòa Phước xanh tít tắp, ít ai nghĩ nơi đây từng là vùng đất màu khô cằn, sỏi đá và bỏ hoang một thời gian dài. Được sự đồng ý hỗ trợ đất của UBND xã Hòa Phước và được Hội LHPN thành phố giúp giàn lưới, phụ nữ thôn Giáng Nam 1 tích cực khai hoang trồng rau.
Cũng bằng kỹ thuật canh tác bảo đảm tiêu chuẩn sạch, an toàn về đất trồng, phân bón, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh, đến nay, vườn rau đã mang lại khoản thu nhập nhất định cho chị em làng quê này. Bà Lê Thị Chi, Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước hồ hởi cho biết, nhiều phụ nữ thoát nghèo bền vững nhờ tham gia mô hình này và điều ý nghĩa nữa là chị em có thể cung cấp cho thị trường một lượng rau sạch.
Cần thêm hỗ trợ
Hiệu quả là vậy, nhưng những mô hình trồng rau sạch của phụ nữ vẫn chưa thể cạnh tranh trên thị trường rau sạch, thậm chí chỉ bán chủ yếu ở chợ, giá nhỉnh hơn đôi chút so với rau đại trà. “Tại địa phương, hiện các mô hình rau sạch có thương hiệu, nhãn mác dần khẳng định uy tín trên thị trường. Nhưng tôi được biết để có được nhãn mác, thương hiệu thì phải đầu tư thêm trang thiết bị và cần nguồn kinh phí lớn. Điều này quá khó với mô hình rau sạch của chị em”, chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong băn khoăn.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hoa, Phó ban Kinh tế đối ngoại, Hội LHPN thành phố cũng cho rằng sản phẩm rau sạch của chị em khó tiêu thụ ở thị trường lớn như siêu thị, cửa hàng an toàn thực phẩm… vì chưa được gắn nhãn mác, giấy chứng nhận đạt chuẩn.
“Việc khẳng định thương hiệu rau sạch, an toàn và tìm đầu ra cho sản phẩm này vượt quá khả năng của các cấp Hội. Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương hỗ trợ nâng cao tính hiệu quả các mô hình kinh tế của chị em phụ nữ”, bà Hoa nói thêm.
Năm 2016, các cấp Hội Phụ nữ phát triển mới 26 mô hình kinh tế, nâng tổng số lên 152 mô hình giúp giải quyết việc làm cho 2.398 lao động nữ với mức thu nhập bình quân từ 1 - 4,5 triệu đồng/tháng/thành viên. Riêng với 3 mô hình rau sạch tại huyện Hòa Vang, Hội LHPN thành phố đã xin kinh phí khoảng 300 triệu đồng để hỗ trợ về trang thiết bị, lưới, điện, nước, kiến thức trồng rau... |
Bài và ảnh: HÀ THU