Bên cạnh công việc thường ngày, nhiều nhân viên công sở tranh thủ thời gian rảnh vào mạng Internet, trang cá nhân (facebook) để rao bán hàng Tết. Có người bán đặc sản vùng miền, đồ tự làm, có người bán hàng xách tay từ nước ngoài chuyển về…
Các mặt hàng tự làm được nhiều chị em công sở rao bán trên trang mạng cá nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. |
Từ đầu tháng 1 đến nay, trên trang mạng cá nhân của chị Ánh Ngọc rao bán các mặt hàng từ quê nhà Quảng Bình. Những hủ tôm chua phơi nắng, ngâm với rượu, ớt cùng nộm đu đủ đỏ au, đóng thành từng hộp nhỏ được chị Ngọc chụp ảnh rồi đăng trên trang cá nhân. Chỉ vài giờ sau, không ít người đặt mua.
Chị Ngọc chia sẻ: “Tết cổ truyền, ngoài các mặt hàng được sản xuất bằng dây chuyền hiện đại, nhiều người nội trợ có tâm lý tìm kiếm những món ăn dân dã, đặc sản vùng miền. Những món ăn được làm để phục vụ một mùa Tết, do gia đình tự làm đang rất hút khách vì đánh trúng tâm lý của người nội trợ trong việc mong muốn tìm mua thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn”.
Ở một địa chỉ khác, trên trang mạng cá nhân của Nguyễn Minh Khương tràn ngập hình ảnh tự quảng cáo và mời gọi mua sản phẩm bò khô tự làm. Khương cho biết, bắt đầu kinh doanh mặt hàng này nhiều năm nay và nhận được sự ủng hộ của bạn bè cùng khách hàng.
Vì bò khô tự làm, sạch sẽ, không phẩm màu, không gia vị bẩn nên giá cao hơn so với thị trường (800.000 đồng/kg). Mỗi ngày gia đình Khương chỉ làm khoảng 6kg bò khô, khách mua dùng trong dịp Tết Nguyên đán phải đặt trước nửa tháng. “Vậy mà làm không kịp cho khách. Năm ngoái, có khách hàng đặt một lúc 50kg để làm quà biếu.
Năm nay, gia đình tôi bán thêm món mứt gừng tự làm. Mặc dù màu sắc không trắng sáng như mứt gừng bày bán ở các quầy nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, Khương cho biết. Mùa Tết, những mặt hàng này mang lại cho Khương và gia đình thu nhập khá.
Tết cũng là thời điểm mà chị Phương Lê (ở đường Đống Đa) đẩy mạnh việc buôn bán hàng qua mạng. Đây là nghề tay trái, mỗi tháng mang lại cho chị Lê thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Thời điểm gần Tết, để hút khách, chị Lê chịu khó lùng tìm các món ăn lạ, giá cả phải chăng nhằm thu hút khách hàng. Năm nay, ngoài các mặt hàng như nem chả Hà Nội, các loại hạt sấy khô của Thái Lan, chị Lê còn tự làm gân bò chua ngọt, chân gà rút xương…
Vốn là người có kinh nghiệm mua hàng qua mạng, Tết này, chị Bích Huệ (nhân viên văn phòng, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) tập kinh doanh mặt hàng túi xách, giày dép của các nhãn hiệu thời trang trên thế giới như Pedro, Zara, H&M… thông qua trang mạng cá nhân.
Chị Huệ cho biết, mặc dù mở bán ngay thời điểm gần Tết nhưng vì nguồn hàng chất lượng, lại thường xuyên cập nhật mẫu mới, giá cả phù hợp; đặc biệt, Huệ chịu khó “lùng” những chương trình khuyến mãi, giảm giá của các nhãn hiệu nên nhiều phụ nữ đã đặt hàng.
Kinh doanh trên mạng Internet trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, nhưng năm nay, số lượng những người làm công sở buôn bán hàng Tết gia tăng. Hình thức kinh doanh này không tốn nhiều vốn vì không cần thuê mặt bằng, thường phải trả tiền trước (hoặc đặt cọc) thì mới chuyển hàng; đồng thời tiện lợi cho người bán và người mua trong việc trao đổi thông tin.
Hiện nay, nhiều cửa hàng lớn cũng tiếp cận và tận dụng hình thức kinh doanh này. Ngoài ra, nhiều cá nhân, nhóm nhỏ còn lập hẳn những nhóm kinh doanh như: Hội thanh lý đồ mẹ và bé ở Đà Nẵng, Hội thanh lý đồ cũ, Hội buôn bán đồ quê, Hội buôn bán đặc sản các vùng miền…, tạo thành địa chỉ để mọi người có thể trao đổi, mua bán dễ dàng.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA