Kinh tế

Đầu tư trong nước tăng mạnh

07:50, 09/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016, trong lúc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào thành phố chưa đạt như kỳ vọng thì vốn đầu tư trong nước khá sôi động. Nguồn lực đầu tư trong nước đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghệ cao, logistics...

Nhiều dự án đăng ký đầu tư trong nước tại thành phố với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2016 đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Nhiều dự án đăng ký đầu tư trong nước tại thành phố với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2016 đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Năm 2016, nguồn vốn đầu tư trong nước góp phần bù đắp sự sụt giảm của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần làm kinh tế thành phố phát triển ổn định, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch; trong đó, nguồn vốn đầu tư từ lĩnh vực kinh tế tư nhân đạt trên 2.600 tỷ đồng.

Đặc biệt, thành phố cấp phép đầu tư 4 dự án quy mô lớn từ nguồn vốn trong nước có giá trị hơn 4.700 tỷ đồng. Đó là dự án Khu đô thị Dragon City Park có giá trị hơn 665 tỷ đồng; dự án Khu dân cư Hòa Khánh mở rộng có vốn đầu tư 140 tỷ đồng và dự án Khu đô thị Bàu Tràm vốn đầu tư 605 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đầu tư; dự án Khu đô thị sinh thái và cảnh quan sông nước làng quê, do Công ty CP Địa Cầu làm chủ đầu tư có vốn hơn 3.300 tỷ đồng.

Năm 2016, thành phố cũng quyết định đầu tư 7 dự án mới với tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, trong đó có một số dự án gấp rút triển khai: dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC có quy mô 10 tầng, 182 giường bệnh, được xây dựng trên diện tính hơn 15.000m2, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Các lĩnh vực giải trí, du lịch cũng được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm với 85 dự án đang triển khai đầu tư, giá trị 7,2 tỷ USD, trong đó chủ yếu vốn đầu tư trong nước với giá trị đầu tư trên 6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 1,175 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch thực sự đã có sự tăng trưởng mạnh.

Ngay tại trung tâm thành phố, dự án khách sạn Bạch Đằng của Công ty CP Xây dựng 79 với quy mô 19 tầng nổi, tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng cũng đang được triển khai xây dựng. Dự án Nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng Sông Hàn (cũ) của Công ty I.V.C tổng vốn đầu tư 95,4 tỷ đồng cũng đang được tích cực triển khai.

Có thể nói, dòng vốn đầu tư trong nước tại Đà Nẵng đều tập trung vào lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có định hướng chiến lược phát triển, thân thiện môi trường.

Năm 2016 cũng chứng kiến hoạt động chuyển nhượng dự án để chủ đầu tư cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, thoái vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, 70% dự án được chuyển nhượng đang hoạt động tốt. Hoạt động chuyển nhượng dự án là bước đột phá, mang lại làn sóng đầu tư mới cho Đà Nẵng cũng như giúp các doanh nghiệp tại địa phương tái cấu trúc hoạt động tốt hơn.

Thông qua chuyển nhượng dự án, nhà đầu tư mới tránh được những vướng mắc liên quan đến giải tỏa, đền bù hoặc các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất...

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện một số nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng thoái vốn, trừ một số dự án sản xuất trong các khu công nghiệp. Còn lại, trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch... trước đây nhà đầu tư ngoại mua đất dự án ven biển thì nay cũng chuyển cho nhà đầu tư nội.

Xu hướng dịch chuyển tăng nguồn vốn đầu tư trong nước được nhắm vào các ngành thân thiện môi trường, đúng định hướng phát triển của thành phố. Hơn nữa, thu hút đầu tư trong nước đạt cao đã góp phần cân đối nguồn lực đầu tư tại thành phố.

Ông Trần Văn Sơn nhận định: “Thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước vào thành phố thực sự sôi động là tín hiệu rất mừng. Với sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng là điểm đến đầu tư với nguồn lực trong nước. Năm 2017 cũng là thời cơ vàng cho một thời kỳ thu hút đầu tư phát triển mới của thành phố”.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.