Diễn đàn “Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị” được mở trên Báo Đà Nẵng từ ngày 11-1-2017 đến nay đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của người dân thành phố, trong đó có những ý kiến đầy tâm huyết và hiến kế để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Xin giới thiệu 2 trong số các ý kiến do bạn đọc viết.
Vào giờ tan tầm, người dân phải “leo” xe máy lên lề đường để di chuyển nhanh hơn. Ảnh: THANH TÌNH |
Xe máy là phương tiện phổ biến và tiện lợi
Qua theo dõi diễn đàn “Làm gì, làm thế nào để hạn chế xe máy nội thị” trên Báo Đà Nẵng, theo tôi, thời điểm hiện tại và ít nhất đến năm 2020, không nên cấm hoặc hạn chế xe máy để thay bằng xe buýt với những lý do sau: xe máy là phương tiện gắn bó lâu đời với đa số người dân không riêng gì ở Đà Nẵng.
Xe máy là phương tiện rất phổ biến và tiện lợi để người dân đến công sở, trường học, đi chợ, vận chuyển hàng hóa... Đối với nhiều người, xe máy là phương tiện phục vụ mưu sinh hằng ngày như đi thồ, đi giao dịch, tiếp thị... Trong mỗi hộ gia đình hiện nay có ít nhất từ 1-2 xe máy. Vì vậy, không thể cấm hoặc hạn chế xe máy vào thời điểm hiện nay.
Tôi xin góp ý một số giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông:
- Triển khai rộng rãi mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố, trước mắt những tuyến đường chính trên địa bàn Đà Nẵng đều phải có xe buýt chạy qua. Điều quan trọng là nên có nhiều điểm dừng xe buýt, khoảng 200-300 mét nên có một điểm dừng để tạo thuận lợi cho người dân lên hoặc xuống xe. Hiện nay, các điểm dừng xe buýt ở khoảng cách quá xa, gây bất tiện cho người sử dụng. Mỗi điểm dừng có công khai sơ đồ các tuyến, điểm dừng, đỗ xe buýt.
- Đặc biệt phải bảo đảm vận hành xe buýt thường xuyên. Không để xảy ra tình trạng người dân phải chờ đợi khi ngồi trên xe buýt. Trong quy hoạch mạng lưới giao thông xe buýt, nên dành ưu tiên làn đường cho xe buýt, nhất là các tuyến đường lớn có nhiều làn xe chạy, tránh tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường. Không thể đi xe buýt từ nhà đến cơ quan mất 1 giờ trong khi đi xe máy chỉ mất 10 phút như diễn đàn nêu trên Báo Đà Nẵng phát hành ngày 14-1-2017.
- Duy trì tốt thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe phải xem “khách hàng là thượng đế”, luôn chào mời lịch sự, phục vụ tận tình và vui vẻ với khách hàng. Mặt khác, giá tiền đi xe buýt những năm đầu phải có chế độ miễn giảm và rẻ hơn các phương tiện thông thường khác để thu hút khách đi xe buýt. Bên cạnh phương tiện phải mới, đẹp, chỗ ngồi của khách trên xe buýt phải sạch sẽ, tiện nghi, thoải mái...
- Một biện pháp chủ yếu hiện nay là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Nhà nước phải gương mẫu thực hiện việc sử dụng xe buýt để đến cơ quan, đến trường học hằng ngày nhằm tạo ấn tượng và thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng xe buýt. Lãnh đạo đơn vị cần có chế độ khuyến khích cán bộ, nhân viên đi xe buýt.
Nếu việc sử dụng xe buýt thuận lợi và an toàn, tiết kiệm hơn xe máy thì không lâu đa số người dân thành phố sẽ tự giác sử dụng phương tiện xe buýt để thay dần xe máy.
THANH TÙNG (phường Thanh Bình, quận Hải Châu)
Các giải pháp chống ùn tắc giao thông
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chứ không đơn thuần hạn chế phương tiện cá nhân. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến như sau:
- Thứ nhất, khuyến khích cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp đi lại bằng xe buýt. Với công chức, nên vận động làm gương. Với học sinh, sinh viên, công nhân, tổ chức tuyến tốt, tuyên truyền và hỗ trợ kinh phí trong thời gian đầu và có những ưu tiên nhất định. Chẳng hạn, nếu đi xe buýt đến trường hoặc công ty trễ dưới 30 phút vẫn được tính như đi đúng giờ. Còn riêng với học sinh thì còn thêm yêu cầu an toàn, vệ sinh. Các trường học cần có phương án giảm ùn tắc cục bộ tại cổng trong giờ đưa - đón trẻ.
- Thứ hai, hỗ trợ xe buýt bằng việc ưu tiên tuyến, làn đường. Xây dựng trạm đón - trả khách hợp lý, gần nơi đông dân cư. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xe buýt về vốn, thuế, thủ tục.
- Thứ ba, khống chế phương tiện cá nhân bằng thuế, phí. Xử phạt những địa điểm kinh doanh chiếm dụng lòng lề đường. Cần có bãi đỗ xe bảo đảm cho những nơi đông người như nhà hàng, khách sạn, cao ốc... và thu phí đỗ xe. Đường từ 10,5m trở xuống không cho đỗ xe cả hai bên và cắm thêm biển cấm đỗ. Phạt nghiêm việc đỗ xe sai quy định; dừng xe, đón trả khách không đúng bến bãi. Tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Kiểm tra chặt việc đăng kiểm. Người sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tự thấy bất tiện và chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
- Thứ tư, xây dựng những bãi đỗ xe công cộng. Hạn chế và cấm các phương tiện đậu, đỗ ở lòng, lề đường gây cản trở giao thông và tiềm ẩn những bất ổn về an ninh trật tự. Ban đầu, nên tận dụng các bãi đỗ xe hiện có của bệnh viện, cảng, sân bay...; cho phép xã hội hóa để nâng quy mô hoạt động của các bến bãi này khi thành phố chưa có quỹ đất và kinh phí đầu tư.
- Thứ năm, về lâu dài, cần có kế hoạch giãn dân, xây dựng các khu dân cư, khu hành chính, nơi tụ tập đông người ra vùng ven. Các khu quy hoạch mới phải có đường đủ rộng. Quy hoạch từ đầu bến bãi, nơi đỗ xe. Không cấp phép cho những nhà hàng, khách sạn, cao ốc không bảo đảm diện tích đỗ xe.
NGUYỄN ĐÌNH HÒA (Giáo viên Trường THPT Trần Phú)