.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Giải bài toán ùn tắc giao thông

.

Sau 20 năm xây dựng, xét về tổng thể, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều thành quả đáng khích lệ về mọi mặt; quy mô đô thị Đà Nẵng ngày nay đã được mở rộng, diện mạo đô thị hiện đại, văn minh và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đây là nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, tổ chức giao thông đô thị còn nhiều bất cập, nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc giao thông (UTGT) là rất cao.

Bài học kinh nghiệm từ các thành phố lớn ở Việt Nam và trên thế giới, việc đánh giá thực trạng tổ chức giao thông, nhận thức nguy cơ UTGT để từ đó tìm kiếm những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm ngăn chặn tình trạng này trở nên cấp thiết đối với thành phố Đà Nẵng.

Người dân Đà Nẵng vẫn chưa quen sử dụng xe buýt. 			               Ảnh: MINH TRÍ
Người dân Đà Nẵng vẫn chưa quen sử dụng xe buýt. Ảnh: MINH TRÍ

Để giải quyết bài toán chống UTGT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh phát triển hạ tầng cần chiến lược dài hơi và cực kỳ tốn kém,  theo tôi nên bắt đầu từ hôm nay với những giải pháp mang tính đồng bộ và rất cụ thể.

Cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, huy động mọi nguồn lực và nhất là cần có sự chung tay của các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin đề xuất một số biện pháp sau:

Biện pháp trước mắt: Mở rộng việc tổ chức giao thông một chiều trong các tuyến trung tâm thành phố; cải tạo các nút giao thông có xung đột giao thông cao theo hướng nút giao nhau khác cốt, tăng khả năng tự điều chuyển hướng giao thông.

Thu phí đậu xe trên lòng đường theo thời gian; đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tập trung (bãi xe ngầm, bãi xe nổi nhiều tầng, bãi đỗ xe thông minh...). Xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ trên các tuyến có tốc độ và mật độ giao thông cao.

Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng nội thị, ưu tiên kích cỡ phương tiện cỡ trung và cỡ nhỏ; có giải pháp thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, trước mắt là xe buýt có trợ giá phù hợp (gián tiếp như hiện nay cho người vận chuyển/trợ giá trực tiếp cho hành khách), áp dụng công nghệ thu phí xe buýt. Xây dựng lộ trình cắt giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2050;

Biện pháp trung hạn: Xây dựng trung tâm điều khiển giao thông kết hợp đo đếm và hiển thị tình trạng giao thông trên bản đồ số để người dân có thể lựa chọn lộ trình và thời gian di chuyển hợp lý. Nâng cấp hệ thống các tuyến đường chính, trục kết nối trung tâm với ngoại vi, kết nối đô thị với các vùng lân cận cùng với việc đầu tư phát triển giao thông công cộng, trong đó ưu tiên loại hình xe buýt nhanh-BRT, phương tiện có kích cỡ trung bình và cỡ lớn.

Hạn chế xe cá nhân, trước mắt là ô-tô vốn chiếm đến 80% diện tích mặt đường nhưng chỉ đảm trách được 20% chuyến đi. Biện pháp thu phí chống ùn tắc trên ô-tô cho những khu vực trung tâm, tuyến đường có kẹt xe là giải pháp hữu hiệu vừa để giảm ngay ùn tắc, vừa tạo nguồn thu để hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng.

Biện pháp dài hạn: Áp dụng mô hình phát triển đô thị hợp lý (đô thị nén, đô thị thông minh, mô hình TOD-Transit Oriented Development...), phân bố lại mật độ dân cư, mở rộng hạ tầng, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, phát triển đa dạng vận tải hành khách công cộng...

Lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ngầm gắn với điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, thiết kế xây dựng công trình kiến trúc, công trình giao thông theo hướng tập trung, hiện đại chú trọng tính đồng bộ và kết nối hệ thống.

Chi phí đầu tư hệ thống giao thông ngầm là rất lớn, do đó cần kết hợp các biện pháp như sau: Tích lũy nguồn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ngầm; phân kỳ đầu tư hợp lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển; tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa với nhiều phương thức khác nhau, có cơ chế chính sách đặc biệt thu hút đầu tư, quản lý, khai thác…

Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của mọi tầng lớp nhân dân. Đây là biện pháp mang tính căn bản, lâu dài, thường xuyên và cần có sự kiên trì của các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể.

Trên cơ sở những tổng hợp và phân tích nêu trên cũng như các giải pháp đề xuất mang tính định hướng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố Đà Nẵng, tôi xin đúc kết vấn đề lại như sau: Thành phố Đà Nẵng có nguy cơ UTGT rất cao. Những yếu tố quyết định trực tiếp đến việc ngăn chặn UTGT bao gồm 3 nội dung cơ bản: nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống (gồm đường xá, phương tiện kỹ thuật kiểm soát, điều khiển giao thông, phương tiện giao thông); tổ chức hoạt động giao thông bảo đảm khoa học, an toàn và tiện ích; chú trọng nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

KTS. TÔ HÙNG

;
.
.
.
.
.