.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Nhiều ý kiến đề nghị giảm phương tiện cá nhân

.

LTS: Diễn đàn “Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị” do Báo Đà Nẵng tổ chức nhằm trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia, người dân về vấn đề này. Sau khi đăng tải thông tin giới thiệu diễn đàn, Báo Đà Nẵng đã nhận khá nhiều ý kiến góp ý về vấn đề này. Từ số báo hôm nay, Báo Đà Nẵng sẽ đăng tải các ý kiến của bạn đọc nhằm hiến kế, góp ý cùng chính quyền và các ngành chức năng thành phố để hướng đến mục tiêu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian tới.

Hầu hết người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy.   Ảnh: THÀNH LÂN
Hầu hết người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy. Ảnh: THÀNH LÂN

* Ông Đinh Thế Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng: Vận động sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Nạn kẹt xe trong đô thị là một vấn đề lớn thường xảy ra ở các đô thị lớn của Việt Nam. Hiện tại, loại hình giao thông của chúng ta là hỗn hợp, rất phức tạp, đa số là xe máy, không theo một làn, tuyến cụ thể nào, đặc biệt các nút giao có sự đan xen rất phức tạp.

Có nhiều lý do hình thành nạn kẹt xe trong đô thị như: lưu thông hỗn loạn của xe máy; đậu đỗ ô-tô, xe máy lấn chiếm lòng lề đường; ý thức người tham giao thông yếu kém; hạ tầng giao thông còn thiếu, chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng; quy hoạch mạng lưới giao thông chưa hợp lý, thiếu điểm đậu đỗ xe…

Để hướng đến một đô thị thông minh, hiện đại, thành phố Đà Nẵng cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó xem xét việc hạn chế lưu thông xe máy trong thời gian tới.

Bởi lẽ, lưu thông xe máy gây một số bất lợi trong giao thông đô thị như tác nhân gây nên đa số các vụ tai nạn giao thông; làm rối loạn giao thông đô thị; ô nhiễm khí thải, môi trường; gây mất an ninh trật tự xã hội (cướp giật, tội phạm…); tác động tiêu cực đến lối sống, sức khỏe người dân (làm mất thói quen đi bộ; một trong những cơ sở hình thành nên các chợ cóc, quán cóc, buôn bán vỉa hè…); gây tác hại cho sự phát triển của giao thông công cộng; làm xấu bộ mặt đô thị…

Để thực hiện thành công việc này, thành phố có thể thực hiện một số giải pháp đồng bộ như sau: tuyên truyền, vận động mạnh hơn nữa để người dân hưởng ứng tích cực sử dụng các phương tiện công cộng; mạnh tay dẹp bỏ nạn buôn bán, chiếm dụng vỉa hè, trả lại lối đi cho người đi bộ; do thời tiết khắc nghiệt có thể nghiên cứu hình thức mái che mưa, nắng cho người đi bộ, phù hợp với cảnh quan đô thị;

đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển mạnh mẽ phương tiện giao thông công cộng, các tiện ích phục vụ, phân làn, tuyến, nhà chờ, chính sách trợ giá, phương thức thanh toán… để dần dần người dân cảm thấy thuận tiện, thân thiện khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng; đổi mới phương thức quản lý, kiểm soát và xử phạt thật nghiêm các xe máy vi phạm luật giao thông; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho những đối tượng kiếm sống chủ yếu bằng phương tiện xe máy…

THÀNH LÂN ghi

* Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Đà Nẵng: Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước hết, tôi thống nhất hoàn toàn với ý tưởng hạn chế phương tiện cá nhân nhằm tạo sự thông thoáng hơn cho việc tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Tôi được biết, đã có địa phương thí điểm hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân nhằm giảm áp lực cho giao thông, song đã nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, tôi nghĩ rằng, để thực hiện tốt ý tưởng này và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác quy hoạch; siết chặt việc cấp phép xây dựng nhà hàng, khách sạn theo hướng phải có chỗ để xe theo quy mô của nhà hàng, khách sạn.

Trước mắt, cần chuẩn bị thật tốt, thật đầy đủ các cơ sở pháp lý liên quan; đồng thời phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống phương tiện giao thông công cộng; phải kết hợp các yếu tố này với việc tuyên truyền, vận động trong nhân dân trước khi áp dụng thực tiễn.

Tuy nhiên, cần phải khảo sát kỹ đối với nhu cầu đi lại bằng các phương tiện công cộng của người dân như điểm đến, tuyến đường…, xem họ có đề xuất, kiến nghị hợp lý hơn nữa không. Cần thiết phải có thêm hệ thống xe buýt nhỏ phục vụ trung chuyển để người dân sử dụng phương tiện này nhiều hơn. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật thông tin về lộ trình cho người sử dụng xe buýt (qua tin nhắn điện thoại). Trước mắt, vận động cán bộ, công chức đi làm bằng phương tiện xe buýt.

Khi thực hiện được, chúng ta nghĩ tới việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh. Và nếu triển khai xe buýt nhanh thì phải chú trọng công tác phân làn, phân luồng riêng cho xe buýt sao cho hợp lý, thuận lợi. Tạo các vịnh dừng đỗ xe nhiều hơn.

Nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện, trong đó có bổ sung quy định niên hạn sử dụng mô-tô. Tăng cường xử lý các phương tiện dừng đỗ sai quy định, các phương tiện khác đi vào làn dành riêng cho xe buýt… Đồng thời, phải ban hành quy định về việc đăng ký ô-tô, nhất là đối với các phương tiện vận tải có tải trọng lớn. Các loại phương tiện này cần phải chứng minh có chỗ đậu đỗ xe thực tế, chỗ đậu xe riêng theo quy định để không gây cản trở giao thông công cộng.

ĐẮC MẠNH ghi

* Ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt: Đẩy mạnh xã hội hóa giao thông công cộng

Là thành phố động lực của khu vực miền Trung và điểm cuối của Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và gia tăng dân số nhanh chóng nên trong tương lai không xa sẽ dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Trong khi đó, hầu hết nhu cầu đi lại của người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy, trong khi năng lực kết cấu hạ tầng có tăng nhưng không đáp ứng được thì ùn tắc giao thông là tất yếu và ngày càng phức tạp.

Vì vậy, ý tưởng “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của lãnh đạo thành phố là hết sức cần thiết. Tôi ủng hộ việc lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà chuyên môn và người dân cho ý tưởng này.

Tuy nhiên, theo tôi, để ý tưởng này trở thành hiện thực, ngay từ bây giờ, thành phố cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giao thông công cộng bằng việc mở thêm nhiều tuyến xe buýt trợ giá, xe buýt công cộng để người dân sử dụng… Đồng thời, trong quy hoạch phát triển thành phố, cần có tầm nhìn xa, tránh trường hợp như trước đây (quy hoạch các khu nghỉ dưỡng ven biển chặn cả các lối ra biển của dân)…

PHƯƠNG UYÊN ghi

;
.
.
.
.
.