.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Phát triển nhiều tuyến xe buýt

.

* Ông Huỳnh Hải Thiên, Giám đốc Công ty CP PIHKA Đà Nẵng: Cải thiện dịch vụ xe buýt

Tôi nghĩ rằng, hạn chế xe máy nội thị nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe và góp phần bảo vệ môi trường. Muốn vậy, thứ nhất, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt nhanh (BRT); thứ hai, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp; thứ ba, cần xử phạt nghiêm khắc và quyết liệt hơn đối với các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường.

Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng.                            Ảnh: THÀNH LÂN
Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Để hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả, thành phố cần phát triển thêm nhiều tuyến bao phủ khắp nội thành. Như vậy, người dân muốn đi đâu cũng có thể đi bằng xe buýt. Đồng thời, cần cải thiện tốt hơn dịch vụ xe buýt, đừng để người dân nghĩ đến xe buýt là nghĩ đến các tệ nạn móc túi, trộm cắp trên xe; tài xế, lơ xe lấy thêm tiền của hành khách; sàm sỡ hành khách nữ trên xe buýt...

Tuy nhiên, do quy hoạch của Đà Nẵng không phải kiểu quy hoạch tập trung cụm dân cư, cụm cơ quan, công ty, cụm thương xá thương mại, cụm dịch vụ vui chơi, ăn uống… nên dù hệ thống xe buýt có chằng chịt đến đâu cũng khó có thể tránh khỏi việc đi bộ khá xa từ nhà đến bến xe buýt và từ nơi xuống xe buýt đến nơi làm việc.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố nên khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Tại mỗi bến xe buýt, nên xây dựng một bãi giữ xe đạp (không giữ xe máy) cách bến khoảng 200m. Đồng thời, nên khuyến khích phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp theo tháng tại các bãi giữ xe này. Như vậy, từ nhà ra bến thì người dân sử dụng xe đạp của mình; sau khi xuống xe buýt, họ đến bãi giữ xe đạp để thuê xe đạp đi đến nơi làm việc.

Nhằm tạo sự an toàn và dễ dàng cho người dân đi xe đạp, nên cho phép xe đạp lưu thông trên vỉa hè rộng lớn. Đối với những đường có vỉa hè nhỏ, nên phân luồng nhỏ ưu tiên cho xe đạp sát lề đường (giống Nhật Bản).

Cần xử phạt nghiêm khắc hơn các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường như: buôn bán hàng rong, giữ xe trái phép, đậu xe không đúng quy định… Bên cạnh đó, chính quyền cần có các chế độ trợ cấp đi lại cho người dân sử dụng xe buýt nhanh và xe đạp, kêu gọi người dân sử dụng xe đạp để bảo vệ môi trường.

Như vậy, nếu số người dân đi làm trong nội thành sử dụng xe buýt tăng lên thì lượng xe máy sẽ giảm thiểu rõ rệt. Việc sử dụng xe đạp cũng nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân. Nếu 2 loại phương tiện này ngày càng nhiều, đường phố Đà Nẵng ngày càng thông thoáng, môi trường cũng trong lành hơn.

THANH TÌNH ghi

* Ông Nguyễn Ngọc Thảo, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu): Tạo thói quen đi xe buýt công cộng

Tôi thấy tình hình giao thông Đà Nẵng hiện nay chưa đến nỗi trở thành vấn nạn lớn về ùn tắc giao thông mặc dù đã xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ ở trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng cần tính ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tương lai khi thành phố đông dân hơn, thu hút nhiều du khách hơn, phương tiện giao thông cá nhân ngày một nhiều hơn.

Đặt vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là đưa ra lệnh cấm một cách chủ quan, duy ý chí. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân phải bằng các giải pháp kết hợp. Đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tổ chức các bãi đỗ xe thu phí theo giờ, khuyến khích hình thành thói quen trong nhân dân đi làm, đi học, đi mua sắm… đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chỉ khi phương tiện giao thông công cộng trở nên thuận tiện và chi phí đi lại rẻ hơn nhiều so với sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì lúc đó, tự nhiên phương tiên giao thông cá nhân sẽ hạn chế tham gia giao thông.

S.TRUNG ghi

* Ông Phan Chí Dũng, Bí thư Chi bộ 7B, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu: Phân luồng, đặt biển báo phù hợp

Mật độ phương tiện giao thông của Đà Nẵng ngày càng tăng cao, thành phố nên có giải pháp giảm những xe máy kém chất lượng vì người dùng loại xe này thường không quan tâm nhiều đến giá trị của xe, từ đó thường đi ẩu, vượt ẩu, giành đường khiến giao thông lộn xộn.

Đồng thời, nên phân luồng hợp lý hơn ở một số nút giao thông trọng điểm, đông phương tiện qua lại như ngã 6 Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh - Ông Ích Khiêm - Triệu Nữ Vương, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương…

Một số vị trí đèn tín hiệu chưa phù hợp cũng khiến giao thông ùn tắc. Ngoài ra, cũng cần hạn chế những xe du lịch lớn từ 26 chỗ trở lên lưu thông trên một số tuyến đường có mật độ giao thông lớn (như Trần Phú, Yên Bái, Nguyễn Văn Linh…) vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho những người tham gia giao thông khi lái xe không sử dụng điện thoại; tham gia giao thông ở những nút giao thông có biển báo “Đèn đỏ được rẽ phải” thì phải nhường đường, không dừng xe lấn vào làn được rẽ phải và nên đặt biển báo được rẽ phải đồng bộ ở những tuyến đường lớn; tránh tình trạng chỗ có, chỗ không (tốt nhất dùng tiếng Việt “Cấm dừng” trên làn đường dành lối rẽ phải).

THU HÀ ghi

* TS Dương Minh Quân, giảng viên Trường Đại học Bách khoa, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng: Khuyến khích sinh viên đi xe buýt công cộng

Tôi ủng hộ chủ trương hạn chế xe cá nhân để tăng cường sử dụng xe buýt công cộng và tàu điện để phù hợp với mô hình phát triển đô thị hiện đại ở các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là ở Nhật Bản và châu Âu.

Đây cũng là giải pháp căn bản nhất để tiến tới giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi từ phương tiện giao thông cá nhân gây ra. Hiện tại, Đại học Đà Nẵng có hơn 60.000 sinh viên theo học, số lượng sinh viên dự báo sẽ tăng trong những năm tới. Nếu tính nhu cầu đi lại học tập và sinh hoạt của sinh viên hiện nay thì số lượng xe buýt mà thành phố đang triển khai vẫn chưa đáp ứng đủ.

Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có điều kiện sắm 1 xe, thậm chí 2 xe máy cho con em mình đi lại. Đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm vì sẽ gây áp lực tăng đầu tư hạ tầng, mở rộng hệ thống đường sá mới đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố trong thời gian đến. Vấn đề hiện nay là áp lực xe máy cá nhân tăng cao ở khu vực nội thị nên đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở nhiều ngã ba, ngã tư lớn trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu…

Theo tôi, nếu sinh viên giảm và tiến tới không sử dụng xe máy cá nhân mà đi học bằng xe buýt thì sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, không chỉ chung tay giải quyết một phần kẹt xe mà còn giảm chi phí sinh hoạt của sinh viên hiện nay.

Tuy vậy, hiện tại số lượng sinh viên lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại rất ít, do đó, tôi kiến nghị nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để sinh viên nắm rõ thông tin về các tuyến xe buýt công cộng. Bên cạnh đó, cần tạo nhiều điểm đón, điểm đỗ thuận tiện hơn, nhất là gần các trường đại học, cao đẳng để sinh viên có thể di chuyển quãng đường ngắn nhất để đến giảng đường sau khi xuống xe buýt.

VIỆT DŨNG ghi

* Ông Mai Tấn Sỹ, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà: Chưa đến lúc phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Theo quan điểm của tôi, chưa đến lúc Đà Nẵng cần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Lý do, thứ nhất, quy mô dân số của thành phố hơn 1 triệu dân, chỉ mới bằng 1/10 của những thành phố lớn khác của nước ta.

Thứ hai, từ thành quả chỉnh trang đô thị trong 20 năm qua, Đà Nẵng có một hạ tầng giao thông tương đối rộng rãi cho các phương tiện giao thông cá nhân lưu thông. Hiện tại, ở khu vực trung tâm thành phố diễn ra ùn tắc cục bộ do việc phân luồng tạm thời để thi công các công trình giao thông.

Mặt khác, thành phố cũng rất tích cực xử lý các điểm ùn tắc giao thông trong thời gian qua. Do đó, tình hình giao thông chưa đến nỗi quá phức tạp, hoặc gây bức xúc lớn cho nhân dân. Do vậy, tôi cho rằng, chưa đến lúc phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

ĐOÀN SƠN ghi

;
.
.
.
.
.