.

Hàng thiết yếu rục rịch tăng giá

.

Từ sau Tết Dương lịch đến nay, thị trường hàng hóa tại Đà Nẵng nhộn nhịp hơn trước với sức mua bắt đầu tăng. Các loại thực phẩm hằng ngày như hải sản, trái cây, hoa tươi, rau xanh có thể biến động giá từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Dự báo nguồn rau xanh phục vụ Tết không dồi dào như năm trước.
Dự báo nguồn rau xanh phục vụ Tết không dồi dào như năm trước.

Do thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài ở hầu hết các khu vực trong cả nước nên lượng rau xanh thiếu hụt, kéo theo giá nhiều loại rau, củ quả tăng 3-4 lần. Chỉ còn vài tuần nữa đến Tết Nguyên đán nhưng hiện nay các chợ hầu như vắng bóng các loại nông sản của Đà Lạt, Gia Lai, vốn được thị trường ưa chuộng. Thay vào đó, hàng các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc về ồ ạt tại các chợ.

Đại diện Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ cho hay, trong vài ngày gần đây, lượng hàng về các chợ Đà Nẵng vẫn ổn định, không có dấu hiệu khan hiếm. Tuy nhiên, qua giám sát kê khai nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho thấy, trong số 300 tấn hàng về chợ Đầu mối Hòa Cường/ngày đêm, số lượng rau, củ phía Bắc chiếm phần lớn.

“So với những năm trước, thời điểm cận Tết, hàng phía Nam về ồ ạt, nhưng do đặc điểm tình hình năm nay thời tiết thất thường, nguồn hàng chủ yếu phụ thuộc vào phía Bắc”, ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ, giá nhiều mặt hàng rau, củ, quả đang ở mức cao. Cụ thể, rau muống, rau cải, mồng tơi từ 10.000-16.000 đồng/bó nhưng chất lượng giảm; khổ qua, dưa leo 25.000-30.000 đồng/kg; cà chua 24.000-26.000 đồng/kg, bắp cải Trung Quốc 12.000-15.000 đồng/kg... Mặt hàng trái cây miền Tây đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg vì cuối năm nhu cầu mua trái cây khá lớn. Mặt hàng hải sản ở các chợ chủ yếu là hàng đông lạnh, bảo quản nhiều ngày.

Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, những ngày gần đây, tình hình tàu thuyền cập bến chưa nhiều. Theo dự đoán của giới kinh doanh ngành hàng thủy sản, áp Tết giá các mặt hàng cá, tôm, cua, mực sẽ tăng đáng kể bởi năm nay tàu bè ra khơi không thuận lợi, tàu nằm bờ thời gian dài. Giá cá thu có thể tăng đáng kể trong dịp Tết vì nhiều chủ thu mua đang tranh thủ mua xuất sang Trung Quốc với giá tại bến khá cao, từ 140.000-150.000/kg tùy loại.   

Bên cạnh đó, nếu giá xăng, dầu, gas tiếp tục tăng sẽ kéo theo giá vận chuyển hàng từ các tỉnh về Đà Nẵng tăng, khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa Tết. Nhiều tiểu thương nhận định, khoảng nửa cuối tháng Chạp, hàng hóa sẽ đồng loạt tăng giá.

Đặc biệt, từ 23 Âm lịch trở đi, ngoài thực phẩm gia vị, các mặt hàng như gà ta nguyên con, giò, chả, bánh trái, thủy - hải sản sẽ còn tăng từ 20-30% so với ngày thường. Riêng với mặt hàng thịt phục vụ Tết, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết, các lò mổ lớn trên địa bàn gần đây lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ có tăng.

Tuy nhiên, số lượng tăng chưa nhiều gà, vịt tăng 15-20%; heo tăng khoảng 15%, riêng bò tăng 40% so với tháng trước. Đối với thịt đông lạnh, đây là tháng cao điểm nên số lượng hàng nhập về Đà Nẵng lên tới 1.400-1.500 tấn (tăng khoảng 30%). Dự báo lượng thịt phục vụ Tết ổn định.

Nhằm phục vụ chu đáo người dân trong dịp trước, trong và sau Tết, Sở Công thương đã chỉ đạo các chợ và siêu thị sẵn sàng nguồn hàng thiết yếu, tăng thời gian phục vụ trong khoảng 10 ngày trước Tết. Các siêu thị mở cửa phục vụ khách thời gian kéo dài hơn, theo đó từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp sẽ mở cửa từ 6-24 giờ; ngày 30 Tết mở cửa đến 12 giờ. Sáng mùng hai Tết, các siêu thị mở cửa trở lại từ 8-12 giờ trưa và đến mùng 6 Tết hoạt động bình thường. Chi cục Quản lý thị trường cũng đã bước vào đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng gian hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.