Ùn tắc giao thông (UTGT) là vấn đề nan giải đối với hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển. Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ không nằm ngoài vòng xoay đó.
Đường Nguyễn Văn Linh là một trong những tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Mặc dù nạn kẹt xe ở Đà Nẵng chưa thật sự nóng bỏng như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện các điểm UTGT nhẹ vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường trọng điểm như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương, Lê Duẩn, Hùng Vương, Hoàng Diệu…
Những năm qua, Đà Nẵng dù đã chú trọng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nhưng vẫn chưa theo kịp đà tăng của phương tiện giao thông cơ giới. Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình giao thông trên địa bàn Đà Nẵng tương đối phức tạp, UTGT đã xảy ra do phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tăng nhanh, phương tiện chở khách du lịch đến tham quan đông.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Mặt khác, hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra phức tạp, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Bên cạnh đó, sự phân bố tan ca cùng múi giờ trong ngày và tập trung vào giờ cao điểm đã dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn. Điều này cho thấy khả năng tình trạng UTGT sẽ diễn ra trong tương lai gần, đặc biệt tại các vị trí nút giao thông…
Lớp lớp xe máy dừng chờ đèn đỏ. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo tính toán, tỷ lệ tăng trưởng của phương tiện giao thông bình quân hằng năm ở Đà Nẵng khoảng 15%. Hiện tại, Đà Nẵng có trên 1 triệu dân và khoảng 715.000 xe máy và trên 54.000 ô-tô đăng ký, đó là chưa tính đến lượng xe ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn thành phố. Kết quả này cho thấy, tỷ lệ phương tiện cơ giới cá nhân tại Đà Nẵng khoảng trên 80%, cao hơn nhiều so với các thành phố lớn trên thế giới như Paris, New York, Berlin, Tokyo, Thượng Hải…
Việc hệ thống giao thông công cộng chưa mang lại sự thuận tiện, phương tiện cá nhân vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, xe máy có phải là một trong những tác nhân gây UTGT trên địa bàn?
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện tại, nếu không nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và áp dụng các giải pháp đồng bộ về giảm thiểu UTGT thì trong tương lai không xa, Đà Nẵng cũng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều quá tải về khả năng thông hành.
Do đó, việc nhanh chóng quy hoạch, xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, trong đó có việc hạn chế sử dụng xe máy là một trong những biện pháp tất yếu giúp tránh tình trạng UTGT.
Hệ lụy của UTGT ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội như làm tăng thời gian đi lại, tăng tiêu hao nhiên liệu và hao mòn phương tiện, tăng chi phí đi lại, tăng lượng khí thải và tiếng ồn, giảm chất lượng môi trường sống đô thị, kìm hãm sự phát triển của kinh tế đô thị…
Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp góp phần giảm thiểu UTGT cho thành phố ngay từ bây giờ là rất cần thiết và cấp bách.
Xe máy chen chúc trên đường phố giờ tan tầm. Ảnh: THÀNH LÂN |
Đà Nẵng đang hướng đến việc thiết lập trật tự an toàn giao thông với việc tăng diện tích giao thông động và giảm diện tích giao thông tĩnh bằng các giải pháp như phân làn xe lưu thông, cấm đậu đỗ xe ngày chẵn, lẻ tại một số tuyến đường và quy hoạch, cải tạo xây dựng hầm chui tại một số nút giao thông trọng điểm. Đồng thời, đề xuất ý tưởng hạn chế xe máy lưu thông trong những giờ cao điểm và các tuyến đường trọng điểm.
Và một trong những ý tưởng đó là hạn chế sự lưu thông của xe máy trong nội thành. Đây là ý tưởng được các nhà quản lý, các cơ quan chức năng của thành phố đề xuất và đang được nghiên cứu, lấy ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học…
Vì vậy, Báo Đà Nẵng mở diễn đàn “Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị” để bạn đọc có thể góp ý, hiến kế cho chính quyền và các ngành chức năng nhằm hướng đến việc giảm thiểu UTGT ở Đà Nẵng, đặc biệt là việc hạn chế lưu thông xe máy.
Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp về những quy định cụ thể hạn chế xe máy trên địa bàn thành phố như mức hạn chế số lượng xe cụ thể ra sao, lộ trình giảm như thế nào... Mọi ý kiến đóng góp, bài viết xin gửi về địa chỉ: Phòng Kinh tế - Báo Đà Nẵng, số 3 Lê Duẩn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. hoặc email: kinhtebdn@gmail.com.
BÁO ĐÀ NẴNG