Xu hướng đầu tư phát triển đô thị hiện đại đã kéo theo sự phát triển của những công trình kiến trúc xanh. Đô thị Đà Nẵng đang mở rộng về quy mô và có nhiều nét chấm phá trong xây dựng bản sắc kiến trúc đô thị.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát tạo nét kiến trúc mới cho đô thị Đà Nẵng. Trong ảnh: Thiết kế cảnh quan xanh ở Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Đà Nẵng Resort & Villas. |
Nâng chất lượng công trình theo đà phát triển đô thị
Trước năm 1975, Đà Nẵng là đô thị quân sự, phục vụ chiến tranh. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến năm 1997 là giai đoạn tái thiết của thành phố. Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của kiến trúc thời kỳ này là dấu ấn của vật liệu.
Đó là vật liệu trát mặt ngoài bằng đá granito, cửa sắt, nền gạch hoa và tường quét vôi ve. Vì vậy, trong thời kỳ này, màu sắc công trình không đa dạng, thường dùng màu gốc của vật liệu làm màu nền cho công trình. Mặt đứng công trình khai thác ngôn ngữ kiến trúc hiện đại kết hợp với vật liệu địa phương. Các kiến trúc hơi khô cứng, đơn giản và được trát chủ yếu bằng vật liệu đá rửa lạnh lùng...
Năm 1997, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, trở thành đô thị trung tâm vùng của miền Trung-Tây Nguyên. Bắt đầu thời kỳ này, quy hoạch và kiến trúc Đà Nẵng có sự thay đổi và phát triển vượt bậc. Từ một đô thị quay lưng với biển, Đà Nẵng trở thành đô thị hướng biển. Vì vậy, kiến trúc đô thị biển và du lịch biển giai đoạn này phát triển nhanh và chiếm ưu thế. Dấu ấn kiến trúc từ dự án Furama Resort làm thay đổi cách tiếp cận kiến trúc nhiệt đới theo hướng hiện đại.
Tư duy sáng tác của các kiến trúc sư cũng thay đổi theo lối kiến trúc hiện đại để tạo dựng bộ mặt của thành phố. Xu thế kiến trúc trong các giai đoạn về sau là sự thay đổi về vật liệu và cách thể hiện không gian. Màu sắc công trình đa dạng hơn nhờ hệ thống vật liệu mới được đưa vào công trình.
Một thời các ngôi nhà 5, 6 tầng xa lạ với Đà Nẵng, nhà 9-10 tầng chỉ có trong mơ; còn hình dáng, mặt bằng muôn thuở bị hình chữ nhật ám ảnh, công trình thì thô cứng, trần trụi. Nhưng nay, sức vươn lên tầm cao với những cao ốc đang được hình thành. Một số điểm nhấn kiến trúc đã được định vị bởi những công trình hạ tầng kỹ thuật là những cây cầu như cầu Sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý, cầu vượt ngã ba Huế…
Trong 10 năm gần đây, quỹ kiến trúc đô thị và vật chất kỹ thuật đô thị tăng gấp bội khi đường phố mở mang; đô thị hóa tỏa về các hướng, quay hẳn mặt ra sông, biển, vươn sát đến núi rừng, chiếm ngự không gian cảnh quan chung. Các lớp kiến trúc cảnh quan đang định hình.
Theo đó, kiến trúc cảnh quan ven biển với các công trình biệt thự, khu nghỉ mát, khách sạn; ven sông là sự chiếm ngự của những chiếc cầu; đồi núi có những công trình kiến trúc cảnh quan theo phong cách Nhật Bản (Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài), phong cách phương Tây (khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills). Khu trung tâm có những cao ốc, những công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối với sân bay, khu phức hợp thương mại dịch vụ, Công viên Châu Á...
Xây dựng bản sắc
Tại cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” vào cuối năm 2016, nhiều kiến trúc sư nhận định: Ở giai đoạn hiện nay, thành phố Đà Nẵng như một tảng đá đang chờ điêu khắc gia tài ba hơn.
Dẫn chứng là cảnh quan ven bờ sông Hàn đang được đánh thức để tạo dáng, tìm kiếm những nét riêng và lồng thổi tâm hồn người Đà Nẵng vào đó. Đà Nẵng có lẽ đã đến lúc phải tính tới giai đoạn phát triển theo xu thế toàn cầu hóa nhưng phải tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa của mình, trong đó có kiến trúc.
Theo đó, kiến tạo một diện mạo cho đô thị Đà Nẵng là khai thác triệt để bản sắc cảnh quan kiến trúc với các lợi thế về sông, núi, biển là việc cần làm trong xu thế phát triển bền vững đô thị hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định về hướng phát triển của Đà Nẵng là xây dựng kiến trúc sinh thái, kiến trúc đặc trưng tạo điểm nhấn về mặt thị giác, tạo giá trị nhân văn cho đô thị Đà Nẵng.
Theo đó, phát triển các không gian đô thị mới kết hợp với cải tạo và hiện đại hóa khu trung tâm là bộ mặt đầu ra chính của đô thị; duy trì hình ảnh một đô thị được chăm sóc từ nhỏ đến lớn, đặc biệt tạo lập chất lượng kiến trúc và chất lượng thẩm mỹ cho các đường phố; thiết lập những đoạn phố hoặc đại lộ tiêu biểu và có sức thu hút; xây dựng các quần thể kiến trúc, công trình kiến trúc riêng lẻ có tác dụng định hình diện mạo chuẩn mực cho kiến trúc thành phố và là hình ảnh đi vào bộ nhớ; mở ra những khoảng không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng, các không gian chuyển tiếp...
Đà Nẵng đang rà soát các vị trí điểm nhấn kiến trúc theo hướng nâng cao các tiêu chuẩn, tạo liên kết tổ hợp và chất lượng đồ án kiến trúc.
Một số dự án công trình kiến trúc tiêu biểu - Năm 2014, Khu đô thị FPT City Đà Nẵng nhận Giải thưởng Kiến trúc quốc gia ở nội dung “Thiết kế cảnh quan đô thị FPT Đà Nẵng”. Hội đồng ghi nhận dự án được quy hoạch với kiến trúc hiện đại, đồng bộ, nhấn mạnh vào “hạ tầng xã hội” để tạo sự tiện lợi và “tính cộng đồng” cao. Các khu công viên kết hợp với kênh, hồ nhân tạo, ngoài chức năng là nơi dành cho hoạt động giải trí, thư giãn, còn có công năng kiểm soát và tận dụng nguồn nước mưa, ngăn chặn lũ lụt, bảo đảm môi trường sống an toàn, tiết kiệm và trong lành… - Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat do Tập đoàn Empire đầu tư tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, các đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, trang trí nội thất như Land Sculptor Studio, Lumino Design Consultants, M.I.A Design Studio tạo dựng 113 biệt thự kiến trúc xanh và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của làng quê Việt. Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat Pure Spa tại Đà Nẵng vinh dự nhận được giải kiến trúc quốc tế về nội dung thiết kế trung tâm chăm sóc sức khỏe ấn tượng nhất. - Khu nghỉ dưỡng cao cấp InterContinental Danang Sun Peninsula đoạt giải “Virtuoso Best of the best” ở hạng mục thành tựu thiết kế. Khu nghỉ dưỡng InterContinetal Danang Sun Peninsula Resort là một trong những tác phẩm ưng ý nhất của kiến trúc sư Bill Bensley, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy của những khu resort”. Trong quá trình thiết kế, thi công công trình, kiến trúc sư Bill Bensley luôn tìm mọi cách giữ lại toàn bộ thảm thực vật tự nhiên, nhờ đó toàn bộ khu nghỉ dưỡng được nương tựa và hòa nhập thật sự với thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. |
TRIỆU TÙNG