Các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội (DNKNXH) thường tập trung giải quyết những vấn đề môi trường, giáo dục, y tế… nổi cộm của địa phương. Dù có tiềm năng và tác động lớn đến xã hội nhưng số lượng DNKNXH hiện vẫn còn khiêm tốn trong bức tranh khởi nghiệp tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hồng hướng dẫn chị em tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cách sản xuất sản phẩm tẩy rửa từ chế phẩm sinh học. |
Góp phần giải quyết vấn đề xã hội
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, DNKNXH có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty TNHH, công ty cổ phần…, với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Do đó, đối với loại doanh nghiệp (DN) này, lợi nhuận không phải là mục tiêu cuối cùng mà chỉ là mục tiêu trung gian để phát triển DN và giải quyết các vấn đề xã hội.
Tại Đà Nẵng, dự án khởi nghiệp với nước rửa chén bằng chế phẩm sinh học của chị Trịnh Thị Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã phát triển thành Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng (gọi tắt là Công ty Minh Hồng) và là DNKNXH “đầu tàu”.
Những sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà làm từ rác thải hữu cơ thực vật của Công ty Minh Hồng đã giành giải nhất ở hạng mục doanh nghiệp xã hội trong cuộc thi khởi nghiệp thường niên lớn nhất ở Việt Nam HATCH! Fair 2016, tổ chức vào tháng 10-2016 tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 11 và 12-2016, dự án của Công ty Minh Hồng tham dự cuộc thi khởi nghiệp quốc tế SLUSH tại Phần Lan.
Dự án của Công ty Minh Hồng thành công do giải quyết được hai vấn đề xã hội. Với nguồn nguyên liệu rau thừa, hoa héo…, chị Hồng ước tính dự án sẽ giải quyết hơn 177.100kg rác thải hữu cơ mỗi tháng, giảm 60% lượng rác thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, dự án này tiếp tục lan tỏa bằng cách đào tạo phương thức sản xuất cho phụ nữ khó khăn, giúp chị em tăng thêm thu nhập. Năm 2016, Công ty Minh Hồng tổ chức huấn luyện cho 120 bà mẹ đơn thân tại Đà Nẵng.
Chị Hồng còn đi khắp 30 tỉnh, thành phố cả nước để giới thiệu, huấn luyện nhiều phụ nữ. Dự kiến đến năm 2020, DNKNXH này sẽ giúp 2.275 người nghèo có việc làm bán thời gian, đồng thời giảm khoảng 2.600 tấn rác thải hữu cơ ra môi trường.
Trên quy mô toàn quốc, một số DNKNXH đã có tiếng tăm, vươn tầm ra thế giới. Chị Đặng Thị Hương, du học sinh Việt Nam tại Úc, một trong những trẻ em đường phố từng được tổ chức KOTO (“Know One, Teach One” nghĩa là “Biết một, dạy một”) phát hiện và dạy nghề, về sau trở thành sinh viên quốc tế tiêu biểu của bang Victoria, Úc.
Chị Hương cho biết, KOTO là một nhà hàng và chương trình đào tạo hướng nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Trong hơn 16 năm hoạt động tại Việt Nam, KOTO đã đào tạo nghề đầu bếp, dịch vụ ẩm thực cho hơn 670 học viên là trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, khoảng 200 học viên đã có việc làm tại các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước.
Số lượng còn khiêm tốn
Các chuyên gia khởi nghiệp đánh giá DN xã hội nói chung và DNKNXH nói riêng có tiềm năng trở thành các đối tác hiệu quả của chính quyền để thực hiện những mục tiêu an sinh, giảm áp lực chi ngân sách. Tuy nhiên, số lượng DNKNXH tại Đà Nẵng và trên cả nước hiện vẫn còn khiêm tốn.
Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 do Nghiên cứu Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, việc khởi nghiệp và phát triển các hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội ở Việt Nam đang rất thấp. Theo đó, năm 2015, tại Việt Nam chỉ có 1,1% người bắt đầu khởi nghiệp để tham gia các hoạt động xã hội, thấp hơn mức trung bình 3,2% của thế giới.
Theo GEM, để đưa một hoạt động xã hội nói chung trở thành hoạt động kinh doanh vì mục đích xã hội hay DN xã hội, phải bảo đảm 4 tiêu chí: có thị trường để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; ưu tiên giá trị xã hội và môi trường hơn giá trị tài chính; sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư vào các hoạt động có tính xã hội; có đánh giá tác động đến xã hội và môi trường.
Ông Lý Đình Quân, cố vấn của dự án khởi nghiệp Minh Hồng trong thời gian ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đánh giá rằng, chị Hồng thành công vì “đánh trúng” thị trường là phụ nữ nội trợ, nhân viên văn phòng, trường học, ngành công nghiệp nhà hàng, khách sạn… đang tìm kiếm những sản phẩm tẩy rửa chất lượng và giá rẻ. Đây cũng là một lợi thế của thị trường Việt Nam, bởi sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay dẫn đến nhiều bài toán cần lời giải. Thống kê của GEM cho thấy 53,8% DNKNXH tại Việt Nam có tính thị trường cao.
Tuy nhiên, bài toán lớn mà các DNKNXH đang đối mặt là làm sao cân bằng mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, DN xã hội phải dùng ít nhất 51% lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường. Báo cáo của GEM chỉ ra rằng, ở nhiều nền kinh tế (trong đó có Việt Nam) có đến 50-70% những người chủ các hoạt động xã hội coi trọng việc tạo ra giá trị tài chính hơn giá trị xã hội, đặc biệt là các mục tiêu tài chính ngắn hạn. Theo đó, các DNKNXH vẫn lúng túng trong việc lựa chọn mục tiêu.
Bài và ảnh: KHANG NINH