.

Ở nơi không có kiệt, hẻm

.

Nại Hiên Đông và Hòa Xuân là hai phường ở Đà Nẵng hiện không có kiệt, hẻm. Tuy đường thông hè thoáng, đi lại thuận lợi, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội nhưng vì tất cả còn mới rợi nên người dân vẫn còn có vẻ chưa thích nghi lắm.

Phường Nại Hiên Đông hiện có hai cái nhất: phường đầu tiên không có kiệt, hẻm và là địa phương có nhiều khu chung cư nhất Đà Nẵng.  					 Ảnh: V.T.L
Phường Nại Hiên Đông hiện có hai cái nhất: phường đầu tiên không có kiệt, hẻm và là địa phương có nhiều khu chung cư nhất Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Phần lớn người dân Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) là ngư dân, người dân Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) thì sống thuần nông nên sau khi hai địa phương này thực hiện chỉnh trang đô thị, bà con không khỏi “choáng ngợp” trước cảnh phố xá mở ra rộng rãi, thoáng đãng. Tất cả phải nhanh chóng thay đổi nếp nghĩ, cách làm sao cho thích nghi với môi trường sống mới.

Từ 1 đến 99

Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Đặng Ngọc Tài đưa tôi về khu dân cư Nại Thịnh Đông, nơi tái định cư cho các hộ thuộc diện giải tỏa đợt đầu tiên ở địa phương từng có khu nhà chồ đặc trưng của quận Sơn Trà này. Ngược với hình ảnh các con đường rộng rãi, thông thoáng bên ngoài, nơi đây đường phố rộng chỉ 3,75m, thêm mỗi bên lề rộng 2,5m.

Khi được hỏi sao quá hẹp so với đường ở các khu dân cư mới sau này, ông Tài bảo, đó là do “lịch sử” để lại. Khi các hộ ngư dân, hộ nhà chồ lên các khu tái định cư, bà con thấy vậy là vừa túi tiền mình rồi, ra đường lớn hơn dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần cũng không đủ tiền mua đất. Thêm nữa, do tâm lý bà con trước đó chỉ ở trong kiệt, hẻm chật hẹp, có nơi chỉ vừa đủ cho 2 xe máy đi ngược chiều, chừ ra đường 3,75m là đã thấy “đổi đời” quá rồi, không đòi hỏi gì hơn.

Ngày trước, cả khu vực các phường An Hải Bắc, Nại Hiên Đông chỉ có duy nhất một đường đất đỏ (về sau được đặt tên đường Nguyễn Trung Trực) nối từ đường Ngô Quyền xuống bờ đá tận mé sông Hàn. Chừ đường ngang lối dọc như ô bàn cờ, người dân mới đầu xuống đường không khỏi lớ ngớ.

Thế là xảy ra các hiện tượng vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị. Để khắc phục, phường lập Đội quy tắc đô thị, từng bước xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm đường thông hè thoáng, nhất là trong 2 năm nay khi triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Ngoài ra, còn tổ chức trợ giúp pháp lý cho bà con khu chung cư Làng cá ở khu vực Nại Hưng 2, nơi tập trung chủ yếu các hộ làng chài ở liền kề nguyên đơn với khu nhà chồ Nại Hiên Đông cũ.

Từ đường độc đạo ngày nào, giờ trên diện tích 420ha toàn phường đã có 99 tuyến đường, chưa kể những đường chưa được đặt tên và đường ở các khu dân cư mới đang hình thành. Một phường có điểm xuất phát thấp nhất quận và có lẽ thấp nhất thành phố giờ là phường đầu tiên ở Đà Nẵng không có kiệt, hẻm.

Đường phố cũng tạo giao thông thuận lợi cho các cư dân sống trên 55 block chung cư (thấp nhất 5 tầng, cao nhất 15 tầng) trên địa bàn phường. Có điều, Nại Hiên Đông tập trung nhiều hộ nghèo thuộc diện xã hội ở các khu chung cư nhưng lại không có doanh nghiệp lớn nào.

Người hưởng chính sách xã hội thì nhiều mà người làm ra của cải vật chất lại ít nên cũng là một áp lực lớn đối với địa phương. Bởi theo lý giải của ông Tài, nhìn đường sá mới toanh, phố phường sầm uất ai cũng nghĩ chắc là Nại Hiên Đông... trù phú lắm!

Không kiệt, hẻm nhưng có biển báo giao thông... tạm

Trù phú cũng là cái nhìn cảm tính của người các nơi lần đầu đến phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, sau khi địa phương từng là vùng thấp trũng thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi lũ lớn tràn về nên phải tiến hành giải tỏa “trắng”.

Hòa Xuân từ vùng thấp trũng nay thành khu đô thị lớn, lần đầu tiên ở Đà Nẵng một phường di dời toàn bộ từ nơi cũ đến nơi mới, từ nhà dân đến cơ quan, nhà thờ tộc họ, nghĩa trang… Sau khi giải tỏa “trắng”, Hòa Xuân chia ra làm hai khu vực: khu phường Hòa Xuân mới rộng 800ha có 197 tuyến đường đã được đặt tên, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân rộng 480ha với trên 100 đường đã có tên. Khác với Nại Hiên Đông, đường phố Hòa Xuân hẹp nhất 5,5m có lề mỗi bên 3m; đường rộng nhất 15m, lề mỗi bên 4m.

Không có kiệt, hẻm, tất cả nhà cửa của dân đều ra ở “mặt tiền” nên dễ phát triển thương mại dịch vụ. Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn đánh giá: “Đổi thay của Hòa Xuân đã góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội chung cả quận. So với ngày mới thành lập quận, thu nhập người dân đã tăng lên gấp đôi, tổng thu nâng ngân sách trên địa bàn tăng từ 23 tỷ đồng lên 171 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, nước sạch... từ điểm xuất phát thấp nay đã tương đối hoàn thiện”.

Tuy nhiên, từ Đảng bộ, chính quyền đến người dân Hòa Xuân hiện vẫn chưa “trọn niềm vui”. Toàn bộ mặt đường trên toàn phường chỉ mới thảm nhựa lớp 1, chứ chưa hoàn chỉnh. Trên địa bàn phường có nhiều ngã ba, ngã tư nhưng chưa có kẻ vạch đường, đèn tín hiệu, biển báo giao thông. Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông, phường phải tăng cường tuyên truyền người dân khi tham gia giao thông phải chạy xe đúng tốc độ, đúng phần đường, đội mũ bảo hiểm.

Để Hòa Xuân có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu “4 an”, ông Linh cho biết, sẽ xin ý kiến lãnh đạo quận cho phép Hòa Xuân trước mắt được gắn biển báo giao thông tạm (với kinh phí khoảng 30 triệu đồng) tại các giao lộ, nhất là các ngã tư. Đồng thời đề nghị thành phố sớm cho thảm nhựa mặt đường đợt hai và hoàn chỉnh toàn bộ các tuyến đường để người dân Hòa Xuân thực sự cảm thấy “mát mặt” khi sống trong một khu phố không có kiệt, hẻm.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.