Kinh tế
Sau 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động: Chưa theo kịp sự phát triển chung
Từ ngày Bộ luật Lao động (BLLĐ) có hiệu lực (1-5-2013) đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành đến 29 nghị định và 37 thông tư hướng dẫn kèm theo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau 3 năm đi vào cuộc sống, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để bộ luật này thực sự phát huy hiệu quả.
Người lao động luôn cần điều kiện làm việc tốt để phát huy hiệu quả công việc cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. (Ảnh minh họa) |
Tăng chức năng quản lý Nhà nước
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho thấy, sau 3 năm triển khai BLLĐ, việc chấp hành quy định pháp luật về lao động có chuyển biến tích cực, nhất là tại các doanh nghiệp (DN) lớn.
Từ 2013-2016, các DN chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Liên đoàn Lao động các cấp, ngành LĐ-TB&XH…, tuyên truyền cho trên 331.000 lượt người về Luật Công đoàn, giải quyết đình công, trình tự tranh chấp lao động, chính sách tiền lương.
Tiêu biểu trong số này là Công ty CP Dệt may 29-3 có sáng kiến “cải biên” những quy định của BLLĐ thành 15 quy định mang tính nội bộ, tuy nhiên vẫn bảo đảm quyền lợi cho cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) như: quy định về hợp đồng lao động, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, giải quyết tranh chấp...
Đặc biệt, công ty quy định lao động nữ có con nhỏ dưới 60 tháng tuổi được trợ cấp 50.000 đồng/tháng/con, mỗi ngày công được nghỉ 60 phút nhưng vẫn hưởng đủ lương. Với một DN có 3.126/4.221 lao động là nữ, đây là một cố gắng rất đáng ghi nhận.
Hoặc như Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, DN 100% vốn nước ngoài luôn thực hiện nghiêm túc các chế độ của NLĐ như bảo đảm quyền lợi được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp định kỳ và đột xuất... Đáng ghi nhận là hằng quý, công ty đều tổ chức lấy ý kiến góp ý của NLĐ để từ đó có những điều chỉnh phù hợp và bảo đảm quyền lợi của NLĐ và cả NSDLĐ.
Nhiều DN thông qua tổ chức Công đoàn xây dựng các mô hình hoạt động nổi bật như: “Quy chế tổ chức hội nghị người lao động”, “Đối thoại định kỳ tại DN”, “Đối thoại, tư vấn pháp luật”... đã tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ biết về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, từ đó thực thi BLLĐ được bảo đảm tốt hơn.
Vẫn còn nhiều rào cản
Ngoài những mặt tích cực nêu trên, theo các cơ quan chức năng, BLLĐ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nên chưa thực sự phát huy hết hiệu quả như mong đợi. Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, ngay trong luật có một số thuật ngữ như “công việc tạm thời”, đây là một kẽ hở DN có thể lợi dụng để chỉ ký loại hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng.
Điều này cũng có nghĩa nhiều quyền lợi chính đáng của NLĐ bị bỏ qua. Riêng về tiền lương-một vấn đề cả NLĐ lẫn NSDLĐ hết sức quan tâm thì trong luật lại thiếu quy định cụ thể về điều kiện được nâng lương. Điều này khiến NLĐ khó có cơ sở đấu tranh đòi quyền lợi cho mình.
Hoặc như vấn đề công tác xa, luật chưa quy định rõ đi khoảng cách từ bao nhiêu km trở lên được gọi là xa để thực hiện việc cấp kinh phí. Trong khi đó, theo Liên đoàn Lao động thành phố, chất lượng thương thảo để ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các DN rất quan trọng nhưng BLLĐ lại giao vấn đề này cho Công đoàn cơ sở. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, một số văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ở góc độ một DN chuyên sản xuất sản phẩm xuất khẩu, đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster cho rằng, BLLĐ chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường lao động và thực tiễn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam.
Điều này bộc lộ qua nhiều nội dung của BLLĐ còn mang tính chung chung, gây hiểu nhầm, khó áp dụng vào thực tế. Việc quy định lương tối thiểu vùng vô tình kìm hãm năng suất lao động cũng như kích thích sự cạnh tranh nâng cao năng suất trong NLĐ. Quy định không được làm thêm quá 30 giờ/tháng là con số quá thấp vì nhiều khu vực trên thế giới áp dụng ở mức 60 giờ/tháng.
Bài và ảnh: THANH VÂN