Càng gần đến Tết, các mặt hàng đặc sản trong cả nước lại được chào bán rôm rả trên thị trường. Tùy theo giá trị và sự công phu của người sản xuất, các đặc sản có giá bán từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng...
Hàng hóa Tết tràn ngập các siêu thị. |
Những ngày này, tiểu thương các chợ Đà Nẵng tất bật đóng hải sản khô, bò khô, chả bò, mắm xứ Quảng các loại gửi đi phía Nam, phía Bắc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, chủ cơ sở bò khô Sông Hàn cho biết, mùa Tết, hàng bán chạy nhưng bà không dự trữ nhiều, khách đặt tới đâu thì làm và đóng gói tới đó.
Nhiều khách hàng tìm đến tận nhà để mua, nhìn chung giá năm nay không tăng nhiều, chủ yếu giữ uy tín với khách hàng nhằm quảng bá đặc sản Đà Nẵng. Hy vọng cận Tết lượng hàng tiêu thụ tăng nhiều hơn, hiện giá bò khô loại 1 khoảng 470.000 đồng/kg (bò lát) và 420.000/kg bò xé sợi.
Tết là dịp làm ăn tốt nhất nên giới kinh doanh các địa phương khác tìm cách mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy (tỉnh Trà Vinh) cho hay, nhiều sản phẩm của công ty sản xuất đã được các đại lý phân phối, nhà buôn đưa ra miền Trung tiêu thụ như như: pa-tê, chả lụa, chả hoa... Trà Vinh còn một đặc sản khá nổi tiếng là bánh tét Trà Cuôn cũng được khách hàng tìm mua.
“Ngày thường chỉ sản xuất khoảng 1 tấn hàng nhưng trong dịp Tết tăng lên 4 tấn/ngày. Sản phẩm của chúng tôi không sử dụng hàn the nên khách hàng các nơi rất thích”, ông Chinh chia sẻ.
Miền Tây là địa phương có khá nhiều đặc sản nổi tiếng. Thịt chuột đồng Long An đang được nhiều khách hàng đặt mua nên có lúc “cháy hàng”; khô gà xé Tiền Giang giá 180.000 đồng/kg; cá lù đù một nắng 210.000 đồng/kg. Sản phẩm dừa Bến Tre có nhiều mẫu mã mới, lạ, thu hút người mua như rượu dừa tạo hình, bộ ba trái dừa Phúc - Lộc - Thọ hình con gà được chào bán gần 700.000 đồng.
Đặc sản khô nhái An Giang, món nhấm rượu dân dã ngày Tết được đưa ra Đà Nẵng với giá 450.000 đồng/kg. Các nhà vườn Hậu Giang còn cung cấp bưởi hồ lô có chữ “tài”, “lộc” với giá 1,5 triệu đồng/cặp. Trái cây có chữ nổi như xoài, dừa, dừa hồ lô giá 400.000 - 600.000/quả, hồng sấy khô Đà Lạt có giá 180.000 đồng/kg đang được bày bán trong siêu thị đặc sản tại Đà Nẵng.
Các cửa hàng còn bán đặc sản nước ép thanh long ruột đỏ của Ninh Thuận, giá 120.000 đồng/chai; muối kiến vàng Phú Yên giá 500.000 đồng/kg. Dịp này, nhiều đặc sản phía Bắc được các đại lý trưng bán như: thịt trâu gác bếp Tây Bắc, chè móc câu Thái Nguyên, chả mực Hạ Long, gà muối Hà Giang, miến dong Hà Nội, măng khô Bắc Giang... Đặc sản lân cận từ Lào, Thái Lan, Campuchia cũng được bày bán như: lạp xưởng bò Siêm Riep (Campuchia) giá 135.000 đồng/kg, khô trâu Pakse (Lào) giá 270.000 đồng/kg, hải sản nhúng Thái Lan...
An toàn thực phẩm là vấn đề được người dân quan tâm. Để đề phòng nguy cơ mất vệ sinh từ những mặt hàng thực phẩm, nhiều người chỉ chọn mua hàng Tết ở những nơi quen biết. Vì vậy, nguồn hàng handmade (làm thủ công với số lượng ít), luôn được khách hàng tiêu dùng tìm mua.
Chủ cơ sở sản xuất mứt gừng ở Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho hay, thời điểm này, dù hàng chưa bán ra thị trường nhưng vẫn không kịp làm những đơn hàng đặt trước. Người tiêu dùng sợ mứt làm sẵn có chất tẩy trắng và chất bảo quản nên sản phẩm sạch được ưu tiên hàng đầu.
Anh Phùng Hà, kỹ sư xây dựng đang làm công trình tại tỉnh Hà Nam, dịp này cũng tranh thủ đặt mua gần chục nồi cá trắm kho làng Vũ Đại về Đà Nẵng làm quà. Anh chia sẻ: “Có thêm đặc sản lạ để tiếp đãi bạn bè những ngày xuân sẽ thêm rôm rả. Một niêu cá trắm đen không đầu, không đuôi là 500.000 đồng (loại 1kg/niêu). Mua đặc sản quê thế này không lo ngộ độc”.
Ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, một món ăn được ưa chuộng trong những ngày Tết là đặc sản thịt heo muối mắm. Dù chưa cận Tết nhưng nhiều người nội trợ đã bàn tán việc đi “lùng” thịt heo quê để mua về muối. Nhiều người xem đây là cách bảo đảm an toàn thực phẩm hơn mua sẵn và đây cũng là món quà để biếu bà con, bạn bè miền Bắc.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH