Kinh tế

Tăng hiệu quả hoạt động các tuyến xe buýt

07:52, 21/01/2017 (GMT+7)

* Ông Đinh Văn Lộc, Bí thư Chi bộ 2B phường Thọ Quang, quận Sơn Trà: Cần có lộ trình và thời gian

Việc hạn chế xe máy vào khu vực nội thị về lâu dài là cần thiết khi lượng xe máy, ô-tô ngày càng gia tăng. Tất nhiên, nếu cấm hẳn phương tiện cá nhân, cụ thể là xe máy thì chưa ổn, bởi Đà Nẵng không có diện tích quá lớn so với các thành phố khác (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), nên đi lại bằng xe máy sẽ thuận tiện và nhanh hơn so với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt.

Người dân chủ yếu sử dụng xe máy, ít sử dụng phương tiện giao thông công cộng.    Ảnh: THÀNH LÂN
Người dân chủ yếu sử dụng xe máy, ít sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: THÀNH LÂN

Hiện nay, vào giờ cao điểm, một số tuyến phố xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông nhưng vẫn chưa quá căng thẳng so với các địa phương có mật độ kẹt xe nhiều. Vì vậy, xây dựng đề án giảm phương tiện cá nhân (xe máy) vào nội thành là phù hợp nhưng cần có lộ trình và thời gian.

Hiện nay, việc thành phố tăng cường phát triển các tuyến xe buýt (mới) bên cạnh các tuyến đã hoạt động lâu nay là phù hợp. Mặc dù vậy, không tránh khỏi những hạn chế do người dân chưa nắm bắt cụ thể lộ trình các tuyến xe buýt mới.

Ví dụ, bản thân tôi do tuổi cao, già yếu nên hạn chế đi xe máy một mình, trong khi tôi thường xuyên đi từ khu vực phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đến Bệnh viện C để khám bệnh, thường đi về khu vực chợ Cồn và các siêu thị khu vực nội thị (các quận Thanh Khê và Hải Châu), thậm chí ngược lên quận Cẩm Lệ.

Song, do không nắm rõ lịch trình các tuyến xe buýt mới nên tôi phải nhờ người nhà đưa đi bằng xe máy, rất bất tiện. Tôi đề nghị cần tuyên truyền mạnh mẽ, nhất là thông báo (thậm chí phát tờ rơi) đến các khu dân cư thông tin chi tiết về lộ trình, thời gian, phương thức hoạt động, các tuyến xe buýt đang hoạt động để người dân chủ động đi lại bằng phương tiện công cộng này một cách hiệu quả.

* Bà Nguyễn Thị Hiền, khu dân cư Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn: Hạn chế phương tiện cá nhân tại một số tuyến nhất định

Tôi không đồng ý cấm phương tiện cá nhân (xe máy) trong nội thị, bởi bản thân tôi thường xuyên đưa đón con đi học và đi làm bằng xe máy. Việc đưa đón con bằng xe buýt rất bất tiện. Hơn nữa, từ nhà tôi đến trạm xe buýt phải đi bộ rất xa, rồi từ điểm dừng cũng phải đi bộ khá xa nữa mới đến nơi cần đến. Tuy nhiên, nên cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến cố định như lòng đường nhỏ hẹp, nơi có mật độ giao thông cao, nơi có trường học… Về thời gian, cấm phương tiện cá nhân vào thời gian cao điểm tầm 17 giờ 30 - 18 giờ 30 hằng ngày là ổn.

* Ông Nguyễn Văn Đoàn, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê: Quy hoạch lại tổng thể, xây dựng hệ thống tàu điện nhanh

Đề xuất cấm xe máy vào nội thị nghe có vẻ hay nhưng khá bất tiện. Liệu các phương tiện (công cộng) khác có đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân không? Tôi nhận thấy, hiện nay, quy hoạch thành phố manh mún quá, cần sớm có quy hoạch tổng thể ngay bây giờ, nếu không thì mai sau càng khó làm. Từ những bất cập đó, việc áp dụng phương tiện công công cũng khó bảo đảm hiệu quả. Nhưng xu hướng phát triển phương tiện giao thông công cộng trong tương lai là cần thiết, trong đó có việc làm hệ thống tàu điện nhanh.

TRỌNG HUY ghi

* Ông Phạm Úc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền: Sắp xếp lại mạng lưới trường học hợp lý hơn

Để hạn chế trình trạng xe máy “đổ dồn” vào nội thị gây ùn tắc giao thông, theo tôi, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường học hợp lý hơn.

Chẳng hạn như, trong phạm vi bán kính chưa đầy 1km gồm các trục đường: Nguyễn Chí Thanh, Lê Thánh Tôn, Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng (thuộc địa bàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu) có đến hơn chục trường học như: Trường Đại học Duy Tân, THPT Phan Châu Trinh, THPT Trần Phú, THCS Nguyễn Huệ, tiểu học Lê Lai, tiểu học Phù Đổng, tiểu học Phan Thanh, mầm non Tiên Sa, mầm non Trúc Đào, mầm non 19-5, mầm non 29-3, mầm non Thần Đồng Việt…

Với số lượng hơn chục nghìn học sinh, sinh viên theo học ở những trường này, đồng nghĩa với việc trong mỗi sáng, trưa, chiều hằng ngày có hàng nghìn lượt xe máy của sinh viên, phụ huynh đưa đón con đi học dồn về đây, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông là điều hiển nhiên.

Hiện nay, thành phố đã đầu tư hệ thống xe buýt hiện đại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Để hạn chế tình trạng xe máy “đổ dồn” vào khu vực nội thành, các cơ quan, ban, ngành cần có giải pháp sắp xếp lại các trường học hợp lý hơn, theo hướng giãn rộng ra.

Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh THPT, sinh viên đi xe buýt đến trường, nhằm tạo thói quen đối với các em. Cần tuyên truyền để các em hiểu rằng, việc đi học bằng xe buýt vừa an toàn, vừa là hành động văn minh mà người dân ở bất kỳ thành phố nào cũng hướng đến.

Ngoài ra, cơ quan chức năng, lãnh đạo các trường THPT cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn chặn triệt để tình trạng học sinh đi học bằng xe máy.

NGỌC ĐOAN ghi

* Ông Vũ Quang Hùng, Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng: Cần có lộ trình thích hợp

Tình trạng kẹt xe nội thị, nhất là vào giờ cao điểm ở các thành phố lớn thường xuyên xảy ra, nhất là trong bối cảnh hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, trong khi các phương tiện cá nhân, cụ thể là xe máy vẫn được sử dụng chủ yếu. Theo tôi, hạn chế xe máy nội thị là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp. Trước hết, nên bắt đầu từ việc hạn chế ô-tô, việc hạn chế xe máy chỉ nên thực hiện khi có hệ thống vận tải công cộng phát triển.

THANH TÌNH ghi

* Ông Nguyễn Văn Quang (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu): Giãn các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước về vùng ven

Hầu hết các tuyến đường ở các quận trung tâm thành phố như Hải Châu, Thanh Khê đều được xây dựng khá lâu và nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân hiện nay. Trong khi đó, ở những quận này, các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước tập trung đông đúc, nên nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, người lao động khá cao.

Đáng ngại hơn, hầu hết cán bộ, công chức và người lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có mức thu nhập trung bình, phương tiện đi lại chủ yếu xe máy, nên vào giờ cao điểm, ở các tuyến đường Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân…, lưu lượng xe máy khá đông, dẫn đến nguy cơ ùn tắc cục bộ cao.

Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, bên cạnh việc vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp đi làm bằng xe buýt, những năm gần đây, chính quyền các thành phố này đã có giải pháp chuyển một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước ra các quận, huyện vùng ven để giảm áp lực giao thông.

Đối với thành phố Đà Nẵng, nếu có giải pháp chuyển dần các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thì áp lực giao thông sẽ giảm, hạn chế lượng xe máy vào khu vực nội thành. Đồng thời, việc đưa các cơ quan, doanh nghiệp về các quận, huyện vùng ven còn có tác dụng “đánh thức” được những vùng đất này, tạo điều kiện để thay đổi diện mạo đô thị, phát triển kinh tế - xã hội.

PHƯƠNG CHI ghi

.