Trên cơ sở hợp phần 2 dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý Các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đã triển khai dự án hệ thống xe buýt nhanh (BRT) với tổng vốn đầu tư 70,2 triệu USD.
Mẫu xe buýt nhanh (BRT) dự kiến đưa vào khai thác tại thành phố Đà Nẵng. |
Dự án BRT triển khai theo 3 tuyến, tuyến số 1 có điểm đầu từ khu công nghiệp Hòa Khánh đến Trường Cao đẳng CNTT Việt Hàn dài 24,76km. Dự án có thêm hai tuyến bổ trợ với tuyến BRT (R1) từ Công viên 29-3 đi thành phố Hội An và tuyến BRT (R2) từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đi Bà Nà.
Cùng với việc xác lập hướng tuyến BRT, dự án cũng triển khai các hạng mục về đầu tư hạ tầng, hệ thống bán vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh (ITS), tín hiệu giao thông. Ngoài ra, cũng có kế hoạch đầu tư mua sắm xe buýt gồm 66 xe buýt tiêu chuẩn, trong đó có 36 xe BRT và 30 xe buýt thường.
Trong các gói thầu về xây lắp của dự án BRT đặc biệt có gói thầu xây dựng hầm chui nút giao thông đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ. Đây là hạng mục công trình hạ tầng, gói thầu 2.8 phục vụ hệ thống xe buýt BRT thuộc chương trình dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn vay.
Thời gian thi công 12 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 3-2018. Theo thiết kế phê duyệt, hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương xây dựng bằng bê-tông cốt thép, với tĩnh không cao 4,75 mét theo dạng hình chữ Y, tổng chiều dài 409 mét, gồm 80 mét hầm kín và 180 mét hầm hở.
Hầm chạy dọc trên tuyến đường Điện Biên Phủ và đi vào tâm nút giao thông ở ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, với mặt cắt ngang nhánh đường Điện Biên Phủ từ phía ngã ba Huế rộng 48 mét (giữ nguyên như hiện nay), từ phía đường Lý Thái Tổ rộng 42,2 mét. Mặt cắt ngang các đường Lê Độ và Nguyễn Tri Phương đấu nối vào nút giao thông trên hầm chui được giữ nguyên.
Dự án hầm chui còn tiến hành thi công các hạng mục hỗ trợ như: hệ thống thoát nước trong hầm và bên ngoài hầm; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát và cứu hộ... Tại khu vực nút giao thông và hầm chui này có phần đường bộ dành riêng cho tuyến xe buýt BRT đi giữa, rộng 7 mét; đường gom 2 bên rộng 14 mét; đường dẫn vào hầm phía ngã ba Huế rộng 18,9 mét và phía đường Lý Thái Tổ rộng 18,2 mét.
Ban quản lý Các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết, nhiều gói thầu của dự án phát triển xe buýt nhanh ở thành phố đã được triển khai. Liên doanh Getinsa Ingenieria (Tây Ban Nha) và SCE (Pháp) đã trúng thầu và triển khai gói tư vấn lập thiết kế chi tiết, hồ sơ mời thầu các hạng mục công trình dự án với tổng giá trị trên 4,4 triệu USD.
Trong đó, hoàn thành 100% khối lượng lập thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu với giá trị 1,49 triệu USD từ ngày 31-12-2015. Đối với nội dung thực hiện giám sát hệ thống thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác vận hành xe buýt nhanh có giá trị 2,9 triệu USD và tiến hành từ tháng 12-2014 đến tháng 1-2019.
Ban quản lý Các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên cùng các chuyên gia về truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông, thiết kế logo, tên thương hiệu cho xe buýt thường và xe buýt BRT Đà Nẵng; đồng thời, xây dựng sơ đồ tuyến, thiết kế màu sơn nhận diện cho xe buýt cũng như xây dựng khung thể chế, tính toán phương án trợ giá với BRT.
Hoạt động xây lắp có các hạng mục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật gồm: cầu, đường, bãi đỗ xe; trạm, điểm đầu, điểm cuối, trung tâm điều khiển… Hiện các hạng mục xây lắp này tập trung việc giải phóng mặt bằng với giá trị giải ngân chi phí đền bù giải tỏa đạt trên 22 tỷ đồng.
Theo đó, đoạn điểm đầu khu công nghiệp Hòa Khánh đi qua phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) có 11 hồ sơ giải tỏa đã chi trả đền bù và đã nhận bàn giao mặt bằng. Tại trạm trung chuyển khu vực phường Hòa Khánh Bắc có 10 hồ sơ đền bù cũng đã hoàn thành thủ tục áp giá và lập thủ tục thu hồi đất.
Trạm trung chuyển đi qua phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) có 10 hồ sơ thu hồi đất và điểm cuối qua phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) có 11 hồ sơ đền bù giải tỏa. Các trường hợp trên đang triển khai các hồ sơ thủ tục chi trả đền bù và thu hồi đất.
Tất cả các hạng mục xây lắp trạm bảo dưỡng, điểm đầu và điểm cuối, trung tâm điều khiển và hệ thống nhà ga theo kế hoạch sẽ khởi công vào tháng 1-2017 và hoàn thành vào tháng 9-2018 để vận hành xe buýt nhanh BRT ở thành phố.
Ngoài ra, hạng mục cơ sở hạ tầng xe buýt thường có giá trị 578.294 USD đã hoàn thành giúp thành phố đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt trong thành phố vào ngày 10-12-2016. Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải là đơn vị quản lý hoạt động của các tuyến xe buýt.
Việc ra đời hệ thống xe buýt tại Đà Nẵng cũng là tiền đề để ngành giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác, trong đó có loại hình xe buýt nhanh BRT giai đoạn từ nay đến năm 2018, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG