Mỗi năm, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với thành phố Đà Nẵng ngày càng tăng, số lượng ngày lưu trú cũng được kéo dài. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Du khách đến với Đà Nẵng càng đông cần phải quản lý thật tốt điểm đến, tạo môi trường du lịch thân thiện, an bình. |
Chú trọng công tác quảng bá các sự kiện du lịch
Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng liên tục tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Việc tổ chức thành công các sự kiện, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, đặc sắc đã tác động rất lớn đến công tác xúc tiến du lịch bởi thông qua các sự kiện không chỉ làm tăng số lượng khách mà còn kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách và thu hút khách quay trở lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng cho rằng, công tác quảng bá, thu hút khách du lịch đối với các sự kiện có quy mô vừa và nhỏ chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức.
“Đối với các sự kiện có quy mô lớn, việc quảng bá để thu hút khách du lịch đã được thực hiện tương đối tốt. Cụ thể như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFC (nay là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF), Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race, các cuộc thi Marathon quốc tế, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á - ABG 5... Thế nhưng, tại các sự kiện có quy mô vừa và nhỏ đã không đạt hiệu quả tương xứng với nội dung thực hiện do công tác quảng bá, truyền thông sự kiện chưa được chú trọng đầu tư, nhất là đối với một số sự kiện do các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa hoặc các quận, huyện tổ chức. Nguyên nhân chính là do khi xây dựng kế hoạch, đơn vị tổ chức chưa chú trọng đầu tư kinh phí để thực hiện truyền thông cho sự kiện”, ông Nguyễn Hữu Chiến phân tích.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức chưa chủ động liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt các đơn vị lữ hành để phối hợp khảo sát, xây dựng các tour, tuyến nhằm đưa khách du lịch đến với sự kiện.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho hay, trong kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2017 sẽ đẩy mạnh truyền thông và xây dựng kế hoạch thực hiện các sự kiện hưởng ứng danh hiệu giải thưởng do World Travel Awards bình chọn “Đà Nẵng - Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2016 và danh hiệu “Đà Nẵng - điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”.
Ngành cũng chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa và thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, mở rộng khai thác thị trường quốc tế tiềm năng như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc... và thị trường mới như Ấn Độ, đồng thời tranh thủ tuyên truyền, quảng bá du lịch thành phố thông qua các sự kiện lớn như APEC 2017, DIFF 2017...
Bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, an bình
Trong số các nhiệm vụ năm 2017 của ngành du lịch mới được công bố, việc tập trung nâng cao ý thức cộng đồng về du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường, an bình cũng được chú trọng.
Là địa bàn trọng điểm, tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, công tác bảo đảm môi trường du lịch là bài toán khó đối với quận Sơn Trà. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, cùng với việc bảo đảm tốt an ninh về mọi mặt liên quan đến du lịch, du khách và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, hiện nay UBND quận tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; triển khai xây dựng hình ảnh “nụ cười du lịch” qua phong cách phục vụ, giao tiếp lịch sự, nhiệt tình, chu đáo tại các cơ sở dịch vụ và lực lượng thi hành công vụ; tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ du lịch, xây dựng tạo chuyển biến về thái độ, hành vi văn hóa ứng xử giao tiếp, xây dựng, tạo chuyển biến về thái độ, hành vi, văn hóa ứng xử, giao tiếp với khách du lịch. Đồng thời, quận tuyên truyền về du lịch sinh thái, bảo tồn các động vật, thực vật quý hiếm tại khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà; phối hợp tổ chức hỗ trợ du khách tại các điểm tập trung đông du khách và đa dạng các hình thức hỗ trợ du khách...
Đề cập vấn đề an ninh, an toàn du lịch, bà Võ Thị Yến Lan, Phó phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố chỉ ra rằng: Trong công tác phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch vẫn chưa chặt chẽ, công tác trao đổi thông tin đôi lúc còn chậm, chưa kịp thời, hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, hằng năm số lượng doanh nghiệp hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tại địa phương ra đời ngày càng nhiều, lượng khách ngày một tăng, lực lượng thực hiện công tác phối hợp còn mỏng chưa đáp ứng được với tình hình hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của thành phố về tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động kinh doanh du lịch và an ninh, an toàn cho du khách trong quá trình tham quan, du lịch tại địa phương.
Bài và ảnh: THU HÀ