Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt những kết quả ấn tượng. Trong sự bứt phá đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của thành phố.
Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ - một trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố được tuyên dương lần này. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Xí nghiệp may veston Hòa Thọ. |
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trước năm 1997, về cơ bản, các DN Đà Nẵng đã có bước phát triển khá mạnh với những sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trong và ngoài nước như: xi-măng, bia, vải lụa thành phẩm, quần áo may sẵn, xăm lốp xe đạp, ô-tô, giấy, nhựa...
Ngành thương mại hoạt động khá sôi động do Đà Nẵng tập trung nhiều DN thương mại kinh tế Nhà nước có vốn lớn. Những DN này bán buôn, phân phối hàng hóa và giao lưu xuất khẩu cho cả vùng, riêng bán lẻ cũng khá phát triển.
Những năm đầu chia tách, Đà Nẵng có trên 600 DN dân doanh với tổng số vốn đăng ký 313,628 tỷ đồng. Thời điểm này có trên 150 DN công nghiệp, trong đó 35 DN Nhà nước với tổng số vốn chiếm 21,29%, vốn DN ngoài quốc doanh chiếm 16,65%, vốn DN đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 62,06%. Tuy nhiên, xét về quy mô, hầu hết DN đều nhỏ bé, phát triển chưa bền vững, nhất là trong các ngành như: du lịch, chế biến thực phẩm, dịch vụ...
Sau 20 năm, từ con số 28 DN ban đầu, thiếu cả về lượng lẫn chất, đến nay, Đà Nẵng có hơn 18.157 DN, đóng góp hơn 50% GDP và giải quyết hơn 60% lao động toàn thành phố. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, hiện tỷ lệ đóng góp bình quân của khu vực kinh tế tư nhân ở địa phương ước khoảng 43,8% vào tổng GDP của thành phố và tăng đều trong các năm qua với tốc độ bình quân 10,6%/năm.
Song song đó, khối DN vừa và nhỏ đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố 45,8%, tốc độ tăng bình quân 11,3%/năm; khối DN dân doanh đóng góp 40% tổng thu ngân sách của thành phố, bằng xấp xỉ với mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI và cao gấp 2 lần mức đóng góp của khối DN Nhà nước.
Những năm gần đây, Đà Nẵng còn có bước phát triển đột phá về du lịch, khẳng định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, thu hút 5,6 triệu lượt du khách, tăng 27 lần so với 20 năm trước. Năm 1997 chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng, đến nay thành phố có các thương hiệu lớn như:
InterContinental, Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury... Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này của các DN trong và ngoài nước góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân thành phố và các địa phương lân cận.
Trong lĩnh vực công thương, nhiều DN đã đầu tư vào các dự án có giá trị sản xuất lớn, đóng góp tích cực trong tăng trưởng công nghiệp như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty Dệt may 29-3, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng...
Hoạt động xuất nhập khẩu của DN cũng có sự phát triển đáng kể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố trong năm 2013 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD; năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 1.115 triệu USD, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2005 và 7,2 lần so với năm 1997, thị trường mở rộng trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, một số DN có sản phẩm xuất khẩu tạo được chỗ đứng trên thị trường như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thương mại, thủy sản Thuận Phước…
Tại cuộc đối thoại DN của thành phố tổ chức năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận: “DN chính là bộ phận có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, góp phần an sinh xã hội cho địa phương. Sự đi lên của DN Đà Nẵng đã tạo động lực vững chắc để kinh tế thành phố phát triển toàn diện trong thời gian qua. Chính quyền thành phố luôn ghi nhận những đóng góp nổi bật của cộng đồng DN, cũng như luôn tạo điều kiện tối đa để DN vững bước hơn trên con đường hội nhập”.
Với tầm quan trọng đó, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực về lâu dài, điểm nhấn là Năm Doanh nghiệp 2014. Theo đó, phát triển DN đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong Đề án phát triển DN thành phố đến năm 2020.
Thông qua việc tăng số lượng DN từ 18.157 DN hiện nay lên 30.000 DN vào năm 2020, tăng tỷ lệ DN vừa và DN lớn có mức nộp thuế hơn 500 tỷ đồng/năm, đóng góp từ 75-80% tổng thu ngân sách thành phố và trở thành nguồn thu bền vững lâu dài.
So với năm 1997, tổng thu ngân sách năm 2016 tăng 16 lần, đạt 19.000 tỷ đồng. Năm 2016, có gần 4.000 DN đăng ký thành lập mới và tái thành lập, tổng vốn đăng ký đạt 12.807 tỷ đồng, tăng 39,5% về số lượng và tăng 27,7% về tổng vốn đăng ký so với năm 2015. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Nhìn lại sự đóng góp của DN trong 20 năm qua cho thấy, sự quyết tâm thay đổi từ chính quyền thành phố cũng như bản lĩnh của cộng đồng DN đáng được ghi nhận. Tuy vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn thành phố đã từng bước phục hồi nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, tốc độ phát triển chưa cao, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn...
Từ trong gian khó, thành phố đã nhìn thấy nỗ lực vượt bậc của nhiều DN và việc tôn vinh các DN Đà Nẵng tiêu biểu là sự động viên xứng đáng. 20 DN Đà Nẵng tiêu biểu được tuyên dương lần này đại diện trên các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thiết bị y tế, du lịch, vận tải, viễn thông, khoa học công nghệ... Trong đó, có sự góp mặt của 4 DN vừa đạt Thương hiệu quốc gia: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Dược Danapha và Công ty CP Dệt may 29-3.
Để hội nhập và phát triển trong giai đoạn có tính bước ngoặt mới, ngoài sự nỗ lực của bản thân DN, chính quyền thành phố sẽ phải tiếp tục duy trì, hỗ trợ những chính sách thiết thực, hiệu quả. Từ đây, cộng đồng DN và doanh nhân thành phố sẽ có thêm động lực để phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, năng động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, từng bước trở thành thành phần trụ cột trong công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh giai đoạn tiếp theo.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH