Kinh tế
Giá hàng hóa "hạ nhiệt"
Mặc dù thời tiết trước Tết liên tục mưa khiến nhiều loại hàng hóa, thực phẩm trên thị trường Đà Nẵng có sự biến động về giá cả. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động về cung - cầu từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và công tác dự báo thị trường chính xác của cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại, nên sau Tết, giá thực phẩm, dịch vụ “hạ nhiệt” sớm hơn mọi năm.
Tại các chợ, người mua bán đã tấp nập trở lại. |
Một tuần sau Tết, theo ghi nhận của chúng tôi, giá cả ăn uống trở lại bình thường, giá rau xanh tuy tăng hơn so với năm ngoái, nhưng đã giảm so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, các mặt hàng thiết yếu như gạo giữ nguyên ở mức 10.000 - 13.000 đồng/kg (gạo thường), giá đường bán lẻ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, dầu ăn phổ biến 33.000 - 35.000 đồng/lít. Sức mua tại nhiều chợ đã tăng dần, trong khi nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng được “tung” ra tại các siêu thị.
Nguyên nhân giá cả tương đối ổn định do sau Tết, nhu cầu tăng chủ yếu là thực phẩm hằng ngày nên các nhóm hàng khác hạ giá. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: rượu, bia, nước giải khát, thịt heo, thịt bò... được chuẩn bị dồi dào về số lượng nên trước Tết không tăng nhiều. Điều này tạo cơ sở để sau Tết hàng hóa không ăn theo giá Tết. Hiện giá thịt heo giảm xuống còn 90.000 - 95.000/kg; giá cá thu giảm sâu, từ 280.000 - 350.000 (tùy loại) xuống mức 200.000 - 250.000 đồng/kg; cá nục 40.000 đồng/kg; cá cam 35.000 đồng/kg; cá lóc
60.000 - 65.000 đồng/kg; tôm loại vừa 120.000-130.000 đồng/kg (tùy chợ); gà ta nguyên con chỉ còn 130.000 - 150.000 đồng/kg; thịt bò còn 250.000 đồng/kg; rau xà lách còn 20.000 - 30.000 đồng/kg; sản phẩm của Đà Lạt như cà rốt 20.000 - 25.000 đồng/kg; khoai tây 30.000 đồng/kg.
Ông Phạm Phước, Trưởng ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu phân tích: “Thông thường mọi năm, giá hàng hóa thực phẩm phải mất cả tháng mới “hạ nhiệt”, nhưng năm nay không có chuyện “sốt hàng” cục bộ như những năm trước. Mới qua Tết một tuần, giá các mặt hàng đã giảm nhanh, trừ hàng rau, củ ảnh hưởng thời tiết chung của cả nước”.
Theo Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng hàng nông sản, trái cây, rau, củ trong cả nước về chợ những ngày này khá dồi dào, chỉ giảm về số lượng so với cao điểm Tết nhưng vẫn ở mức trên 500-600 tấn/ngày, đêm. Đặc biệt, phục vụ cho rằm tháng Giêng sắp tới, các tiểu thương thường tăng gấp đôi lượng hàng, chủ yếu là phục vụ ăn chay và mùa lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn.
Đánh giá tình hình thị trường sau Tết, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố nhìn nhận: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát dịp Tết Nguyên đán đã góp phần tạo sự bình ổn thị trường. Sở đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH