Kinh tế

Khởi đầu Năm APEC 2017 nhiều kỳ vọng

09:31, 26/02/2017 (GMT+7)

Sau 10 năm, Việt Nam một lần nữa được các nền kinh tế thành viên tín nhiệm giao trọng trách chủ nhà Năm APEC 2017. Đây là đóng góp quan trọng của nước ta đối với Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm thúc đẩy các quan tâm chung và hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của APEC (1998-2018).

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan vừa diễn ra tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan vừa diễn ra tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017, từ ngày 18-2 đến 3-3, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan. Các hội nghị này nhằm khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại TP Đà Nẵng.

Gần 1.900 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC)... cùng tham dự Hội nghị SOM1 và 56 cuộc họp của 4 ủy ban cùng 34 nhóm công tác chuyên ngành.

Triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, mục đích SOM 1 và các cuộc họp lần này là thảo luận và thông qua các ưu tiên của hợp tác APEC năm 2017. Các thành viên cũng trao đổi để cụ thể hóa những ưu tiên, chuẩn bị nội dung báo cáo lên các bộ trưởng và trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao.

Sau gần ba thập niên hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực. Diễn đàn 2,8 tỷ dân này đang đại diện khoảng 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, đồng thời là nơi hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Cùng với việc góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương theo hướng mở, công bằng, minh bạch và vì phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng, sáng kiến liên kết kinh tế. Nhiều hiệp định tự do thương mại đã được hình thành từ những ý tưởng hợp tác giữa các thành viên.

Những năm gần đây, APEC cũng tiên phong trong các vấn đề mới như tăng trưởng bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới… nhằm đáp ứng nhu cầu mới về phát triển của khu vực và toàn cầu, giúp các thành viên nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tiềm năng hợp tác to lớn và khả năng thích ứng linh hoạt nhờ cơ chế đối thoại mở, dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, đồng thuận và tự nguyện, hướng tới mục tiêu dài hạn là duy trì sự tăng trưởng và phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương vì lợi ích chung của các nền kinh tế trong khu vực, các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục có vai trò nòng cốt duy trì đà tăng trưởng và liên kết của khu vực và đóng góp vào việc tạo động lực cho tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Việt Nam kỳ vọng những kết quả của Năm APEC 2017 sẽ góp phần đưa Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng hợp tác và liên kết mới của từng nền kinh tế, từng doanh nghiệp và từng người dân để tạo nên những kết quả thiết thực, cụ thể, mang đến động lực cho tăng trưởng bền vững và bao trùm của cả khu vực.

Theo Hà Nội mới

.