.

Nâng cấp và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2: Khẳng định công nghệ thi công hầm của Việt Nam

.

Năm 2005, việc đưa vào vận hành và khai thác hầm đường bộ Hải Vân nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế là sự kiện lớn của đất nước khi Việt Nam có hạ tầng giao thông hầm.

Sau thời gian tiếp cận công nghệ khoan hầm từ đối tác nước ngoài, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ và thi công hầm đường bộ một cách chủ động, đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ của đất nước.

Mở rộng hầm lánh nạn để nâng cấp hầm đường bộ Hải Vân lên 4 làn xe, đáp ứng nhu cầu lưu thoát phương tiện giao thông qua hầm từ năm 2020.
Mở rộng hầm lánh nạn để nâng cấp hầm đường bộ Hải Vân lên 4 làn xe, đáp ứng nhu cầu lưu thoát phương tiện giao thông qua hầm từ năm 2020.

Hầm đường bộ Hải Vân bao gồm hầm chính đang khai thác có chiều dài 6.280m và hầm thoát hiểm chạy song song với hầm chính. Công trình cũng có hầm thông gió dài 1.810m và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng với 15 hầm thông ngang.

Qua hơn 10 năm khai thác cùng sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông với dự báo quá tải phương tiện lưu thông qua hầm vào năm 2021, việc nâng cấp mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được đặt ra với mục tiêu nâng cao năng lực lưu thoát phương tiện và cải thiện an toàn giao thông khi hầm hiện hữu chỉ có 2 làn xe với giao thông hỗn hợp hai chiều.

Trước thực tế này, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất và được Chính phủ cho phép mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe, bổ sung hạng mục công trình vào gói đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển giao thông của đất nước. Ngày 26-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân và giao cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thực hiện.

Hiện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả triển khai dự án nâng cấp và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2. Do thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 không phải từ đầu mà được xây dựng trên cơ sở mở rộng hầm thoát hiểm nên trong thời gian thi công, hoạt động lưu thông trên hầm số 1 hiện tại và hầm thoát hiểm vẫn diễn ra bình thường.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã đưa ra giải pháp thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 theo phương pháp xây dựng hầm NATM (New Austrian Tunnelling Method: Phương pháp xây dựng hầm mới của Áo) đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới công nhận là phương pháp xây dựng hầm hiện đại và có nhiều ưu điểm so với các phương pháp thông thường.

Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu thi công với đơn vị quản lý vận hành khai thác hầm và các đơn vị liên quan cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, công tác triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 đang được thực hiện. “Các công việc thuộc dự án được triển khai bảo đảm tiến độ thi công an toàn và phát huy hiệu quả. Công trình hầm đường bộ Hải Vân 2 được xem là sự đột phá về công nghệ, khẳng định khả năng triển khai xây dựng hầm đường bộ đã phát triển vượt bậc của Việt Nam đối với thế giới”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.