Thực hiện nội dung “an toàn thực phẩm”, trong năm 2017, các cấp chính quyền quận Liên Chiểu quyết tâm siết chặt quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận. Nhiều giải pháp mới được UBND quận triển khai ngay từ đầu năm như tăng cường công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra… nhằm góp phần hạn chế tối đa xảy ra “điểm nóng” về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong năm.
Quận Liên Chiểu chú trọng kiểm soát an toàn thực phẩm. |
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Trên địa bàn quận Liên Chiểu có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp và các trường học nên công tác quản lý ATVSTP thời gian qua gặp không ít khó khăn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận như: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tất Thành, Ngô Văn Sở… tập trung đông quán ăn, cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, là địa chỉ quen thuộc của các bà nội trợ, sinh viên và công nhân lao động. Vì vậy, nơi đây luôn là mối lo ngại về ATVSTP cho người dân và khách du lịch.
Theo thống kê của Phòng Y tế quận Liên Chiểu, tính đến nay, trên địa bàn quận có 175 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm do quận quản lý và 1.025 cơ sở do phường quản lý. Hiện 100% cơ sở trên đều được thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP theo đúng quy định. Nhìn chung, các cấp chính quyền của quận đã chủ động tổ chức kiểm tra ATVSTP, xử lý các cơ sở vi phạm. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều chấp hành tốt quy định của Nhà nước về ATVSTP như được cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, có niêm yết giá…
Theo Phòng Y tế quận Liên Chiểu, đa số nguồn thực phẩm đầu vào của các cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm từ 30-200 suất ăn trên địa bàn quận đều lấy từ những đơn vị có uy tín như Công ty TNHH Đắc Vinh, HTX rau Túy Loan… nên hầu hết bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận về chương trình “Thành phố 4 an”, là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực ATVSTP, trong đó có cả dịch vụ ăn uống, Phòng Y tế quận cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận ATVSTP 1-2 lần/năm ở hầu hết các cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn quận. Qua kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở có biểu hiện vi phạm đều được xử lý nghiêm tùy theo mức độ”, ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận cho hay.
Theo số liệu của Phòng Y tế, trong tháng 1, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP của quận đã kiểm tra và xử phạt 10 cơ sở kinh doanh vi phạm với số tiền hơn 7,3 triệu đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm tập trung chủ yếu như: chưa khám sức khỏe định kỳ theo quy định, hàng hóa chưa ghi nhãn đúng quy định, người sản xuất hoặc người kinh doanh thực phẩm không mang bảo hộ lao động…
Các phường sẽ lập đường dây nóng
Theo UBND quận Liên Chiểu, hiện nay, các cơ sở ăn uống trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành còn tạm bợ, thiếu nước sạch, không có công trình vệ sinh; nhân viên không được tập huấn về ATVSTP, không khám sức khỏe định kỳ. Đây là tuyến đường tập trung đông khách du lịch đến ăn uống, nhất là sắp tới Đà Nẵng có nhiều sự kiện lớn, nên công tác quản lý ATVSTP đặt ra nhiều khó khăn cho các ngành chức năng quận. Trong khi đó, lĩnh vực kiểm tra rộng, cán bộ chuyên môn ít và thực hiện công việc kiêm nhiệm; hơn nữa, việc kiểm tra thường mang tính liên ngành nên còn bị động.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP quận nhấn mạnh: Sắp tới, quận sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục, đồng bộ, góp phần tích cực làm giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt nơi đông người, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm, tỷ lệ người bị ngộ độc thực phẩm trong một năm ít hơn 7/100.000 dân.
Từ nay đến cuối năm, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP quận sẽ tiếp tục siết chặt quản lý các loại hình kinh doanh liên quan đến ATVSTP. Theo đó, quận Liên Chiểu sẽ xây dựng phần mềm quản lý và thành lập chuyên trang về an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của quận nhằm cung cấp cho người dân và khách du lịch danh sách các cơ sở bảo đảm ATVSTP, đồng thời danh sách này sẽ được bổ sung và thay đổi hằng tháng. Ngoài đường dây nóng của quận, sắp tới, các phường trên địa bàn quận cũng sẽ lập đường dây nóng về ATVSTP. Quận cũng sẽ phát huy sức mạnh ở tổ dân phố, các hợp tác xã, các làng nghề để tuyên truyền.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết, việc thực hiện quy định của thành phố về vấn đề bảo đảm ATVSTP các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm được các hợp tác xã trong Làng nghề triển khai từ những ngày đầu năm 2017. “Hội đã gõ cửa từng nhà hội viên trong làng nghề để ký cam kết bảo đảm ATVSTP cũng như khám sức khỏe định kỳ và mang đồ bảo hộ trong thực hiện chế biến nước mắm. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn nâng cao thương hiệu của Làng nghề nước mắm Nam Ô”, ông Vinh chia sẻ.
Trong thời gian tới, các ban, ngành của quận sẽ phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm. Khi kiểm tra, đánh giá các cơ sở và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh, kết quả đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng và doanh nghiệp biết.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN