Kinh tế
Sập bẫy tiền ảo
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh tiền ảo, đồng tiền bitcoin (viết tắt là BTC) diễn ra khá rầm rộ trong giới trẻ, thu hút không ít người tham gia với việc đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, sàn tiền ảo này rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, thậm chí tự chuyển sang một hình thức kinh doanh “ảo” khác. Riêng với người chơi, ai tham gia sớm sẽ rút được lãi, thậm chí cả vốn; người nào chơi trễ có khi mất trắng, từ vài chục cho tới vài trăm triệu đồng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Một sàn tiền ảo bitcoin với hàng trăm thành viên tham gia chính thức ngừng hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua khiến nhiều người đầu tư ngã ngửa. Khi liên lạc với người mình nộp tiền, họ chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Nó sập rồi. Giờ đổi qua đồng tiền mới auseus, chờ đồng tiền này lên giá, bán được bao nhiêu thì bán. Giờ tôi cũng như các anh chị thôi, cũng mất tiền hết”.
Trong bài viết “Kinh doanh tiền ảo, quá nhiều rủi ro” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra tháng 6-2016, chúng tôi có nhắc đến anh Đỗ Thanh H. (ở quận Cẩm Lệ), một người có kinh nghiệm trong việc kinh doanh BTC. Sau gần một năm gặp lại, H. buồn bã cho biết: “Sàn bitcoin tụi mình tham gia đã sập rồi. Thời điểm gần tới Tết Nguyên đán Đinh Dậu kia. Tội nhất là mấy bạn tham gia trễ (khoảng từ tháng 10, tháng 11 năm 2016 trở về sau) chưa nhận được đồng tiền lãi nào. Có bạn mua tới 10 bit (thời điểm đó có giá gần 150 triệu đồng) nhưng cũng mất trắng”.
Bản thân H. cũng là nạn nhân của sàn tiền ảo này. Nửa đầu năm 2016, H. bỏ ra gần 100 triệu đồng để mua tiền ảo BTC và đứng ra làm đầu mối giao dịch nhỏ trong cả hệ thống, qua một lần giới thiệu được người chơi, H nhận được khoản hoa hồng gần 10%. Tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống, toàn bộ số tiền lãi những tháng sau đó H. tiếp tục đầu tư mua bit nhằm tăng phần lãi khủng.
“Thời điểm cao nhất mình có trong tay tới 30 bit, nếu quy ra tiền thật cũng gần 400 triệu đồng. Có tháng, riêng tiền lãi mình thu về được gần 50 triệu đồng”, H. cho biết. Tuy nhiên, vì chủ quan muốn chờ đến thời điểm thích hợp để rút luôn một khoản tiền lớn vài trăm triệu đồng, nên chưa kịp rút tiền thì sàn giao dịch này sụp đổ, toàn bộ số tiền nằm trong dự tính của H. cũng mất theo.
Đầu tư vào sàn tiền ảo bitcoin từ tháng 9-2016 với việc mua 3 bit (thời điểm đó có giá trị 42 triệu đồng), Nguyễn Ngọc M.T. (quận Hải Châu) hy vọng sẽ kiếm được khoản tiền lời 12 triệu đồng/tháng (thậm chí có thể cao hơn khi đồng bitcoin tăng giá) như lời mời chào.
Tuy nhiên, đến nay T. mới rút được một tháng tiền lãi, thời gian còn lại là chờ đợi trong mòn mỏi. T. không giấu sự sốt ruột: “Lúc mới chơi, nhận được tiền lãi tháng đầu tiên mình mừng lắm. Nhưng rồi mấy tháng tiếp theo không rút lãi được nữa, liên lạc với người trưởng nhóm chỉ nhận được câu trả lời: “Hệ thống đang gặp lỗi, cố gắng chờ đợi”. Sau đó khoảng 2 - 3 tháng, mình tiếp tục điện thoại, lại được thông báo sàn này đã chuyển sang kinh doanh một đồng tiền mới với tên gọi là đồng auseus. Họ bảo, với đồng tiền này, sau vài tháng số vốn của mình có thể tăng lên 100 triệu đồng không kể lãi. Và thay vì rút tiền hằng tháng, có thể rút tiền hằng ngày với từ 300.000 – 500.000 đồng/lần rút. Nhưng hai tháng nay cũng không thấy gì, giờ có liên lạc người ta cũng chỉ bảo chờ đợi thôi”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để quảng cáo, lôi kéo người chơi, Ban điều hành sàn tiền ảo này tổ chức rầm rộ các buổi gặp mặt, in áo, biểu tượng của nhóm. Tuy nhiên, khi sàn có dấu hiệu ngừng hoạt động, họ không chính thức lên tiếng mà chỉ thông báo tất cả số tiền đầu tư của người chơi được chuyển qua một hình thức kinh doanh khác dưới tên gọi đồng tiền auseus với cách thức hoạt động như nói trên.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là đồng tiền do tự nhóm người này sáng tạo ra dựa trên chủ quan của họ, không nằm trong bất cứ hệ thống quản lý nào của Nhà nước, nếu tiếp tục thua lỗ, sàn kinh doanh đồng tiền auseus này sẽ lại sụp đổ và người chơi tiếp tục mất tiền trong vòng luẩn quẩn này.
Quá trình điều tra của chúng tôi cho thấy, vì tin vào lời hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao mà không cần lao động vất vả nên nhiều người đã lao vào sân chơi này. Người chơi hầu hết không biết số tiền lãi họ được hưởng chủ yếu lấy tiền của người sau trả cho người trước. H. phân tích, với hình thức đầu tư này, người chơi càng tham gia sớm càng có cơ hội lấy lại vốn và hưởng lãi. Người tham gia càng muộn, rủi ro càng cao.
Chính vì vậy, những người tham gia vào sàn tiền ảo này càng muộn càng chịu thiệt thòi. Thậm chí có người đầu tư mua một lúc 10 bit (khoảng 150 triệu đồng) nhưng chỉ một tháng sau, khi sàn tiền ảo này sụp đổ, họ cũng mất trắng số tiền trên.
Là người giới thiệu bạn bè đầu tư vào sàn kinh doanh tiền bitcoin này, H. buồn bã nói: Mình cũng chỉ vì muốn kiếm tiền nhanh chóng nên tham gia. Thương nhất là có đôi bạn vừa cưới, có chút tiền quà mừng, qua giới thiệu của mình, họ đã tham gia mua vài bit, giờ cũng chịu chung số phận không thu được đồng nào cả vốn lẫn lời.
Giữa tháng 10-2016, khi không thể bán bit, chuyển lãi cho người chơi, tôi có hỏi những người điều hành hệ thống thì họ cũng chỉ nói đang gặp trục trặc, sau đó ít lâu lại bảo sẽ chuyển toàn bộ tiền của người chơi sang đầu tư một dòng tiền khác là đồng auseus, tôi cũng tin thật và thời điểm đó cũng có một số người tiếp tục tham gia mua bit. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2016 tôi mới biết là sàn bitcoin đã sập. Mấy trăm triệu của tôi cũng mất rồi, giờ chẳng biết kêu ai” .
Theo phân tích của ông Đầu Xuân Đức, Giám đốc Công ty Tài chính – Kế toán Đầu Xuân Đức, cách đây một năm ông đã từng cảnh báo về hình thức kinh doanh vô cùng rủi ro này. Nó chỉ đánh vào tâm lý hám lợi, hùa theo đám đông của một bộ phận.
Khi tham gia vào sàn tiền ảo này, người chơi sẽ chuyển tiền cho một người khác mà mình không biết rõ họ tên, địa chỉ rồi lại chờ một ai đó chuyển tiền cho mình, thật quá mạo hiểm. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào hình thức kinh doanh này chỉ dựa trên cơ sở niềm tin, không có bất cứ ràng buộc nào về pháp lý hay giấy tờ gì nên khi sàn sập, dù mất tiền, xót của nhưng nhiều người chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, tiền ảo là hình thức giao dịch của nước ngoài, hiện nay nước ta chưa có khung pháp lý để quản lý cũng như cho phép giao dịch loại tiền này. Nó chủ yếu hoạt động trôi nổi thông qua mạng interner. Ông Minh cảnh báo, người dân không nên tham gia giao dịch tiền ảo, tránh để “tiền mất tật mang”; bởi lẽ phía sau hình thức kinh doanh này còn ẩn chứa các hành vi tội phạm như rửa tiền, lừa đảo. Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo. Tuy nhiên, cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi quyết định đầu tư tránh mất tiền oan uổng. |
Khánh Hòa