Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành QĐ 236/QĐ-TTg bổ nhiệm Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp giữ chức Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, thay cho ông Phạm Minh Huân đã nghỉ hưu. Như vậy, ông Doãn Mậu Diệp sẽ chính thức điều hành các Phiên đàm phán tăng lương tối thiểu trong năm nay.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp được phân công thêm việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 17/2/2017. |
Trước đó, kết quả của các Phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017 đã thống nhất đề xuất tăng trung bình lương tối thiểu ở mức 7,3 % so với mức của năm 2016. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2016/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu tại 4 vùng lương trong cả nước, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Đánh giá về mức lương tối thiểu vùng năm 2017, nhiều chuyên gia lao động việc làm cho rằng mức lương chỉ đáp ứng được khoảng 80 % mức sống tối thiểu của người lao động.
Cũng liên quan tới diễn biến tăng lương tối thiểu vùng 2018, ông Phạm Minh Huân - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - nhận định với PV Dân trí rằng, khả năng sẽ có 2 kịch bản diễn biến của việc tăng lương tối thiểu năm 2018.
“Một kịch bản tốt với mức tăng tương tự khoảng 7,3 % - như mức đề xuất tăng cho năm 2017. Điều này phải đi kèm với các yếu tố như: Tình hình sản xuất chung không có biến động theo hướng quá bất lợi, Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô tốt và tiếp tục kìm chế lạm phát. Đồng thời, tỷ số giá tiêu dùng diễn ra theo nhận định của Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, mức đề xuất tăng như trên là phù hợp” – ông Phạm Minh Huân nói.
Ngoài ra, vị nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng lưu ý tới kịch bản thứ 2 là khi tình hình có thể không thuận lợi: “Tuy nhiên, lúc này còn sớm để kết luận, chúng ta cần theo dõi để có câu trả lời chính xác vào khoảng tháng 5,6 tới đây”.
Lý giải về việc đưa ra 2 kịch bản tăng lương tối thiểu vùng 2018, ông Phạm Minh Huân bổ sung: Nền kinh tế của Việt Nam đang chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều nước lớn như Mỹ đang thay đổi chính sách kinh tế. Dự đoán điều này tác động không nhỏ tới xuất khẩu của nhiều nước trong đó có Việt Nam.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như da giày, may mặc, điện tử… xác định lương tối thiểu là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới “đầu vào” chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy chúng ta phải theo dõi sát tình hình để cân nhắc quyết định trên cơ sở hài hoà khả năng “sức khoẻ’ của doanh nghiệp và đời sống người lao động” - ông Phạm Minh Huân nói.
Thông tin từ LĐLĐ TPHCM cung cấp với báo chí, đến nay đã có 7.116 doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017 với mức điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 - 250.000 đồng.
Cũng trong tháng 2, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát việc thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2017 để có căn cứ xây dựng đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018. Dự kiến việc báo cáo hoàn tất vào trước ngày 30/4.
Theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm 15 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch (đại diện Bộ LĐ-TB&XH) và 3 Phó Chủ tịch Hội đồng đại diện cho Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN. Các ủy viên Hội đồng, bao gồm: 4 ủy viên Hội đồng là đại diện của Bộ LĐ-TB&XH; 4 ủy viên là đại diện của Tổng LĐLĐ VN; 1 ủy viên là đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; 2 ủy viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở Trung ương có sử dụng nhiều lao động. Hội đồng tiền lương Quốc gia có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, mức tiền lương trên thị trường lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp để xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hàng năm và từng thời kỳ… |
Theo Dân trí